Vietstock - Dầu quay đầu giảm sau báo cáo lạm phát của Mỹ
Giá dầu giảm trong phiên biến động ngày thứ Ba (13/9), xoá sạch đà tăng trước đó khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8/2022, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra một đọt nâng lãi suất mạnh khác vào tuần tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 0.88% xuống 93.17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 0.5% còn 87.31 USD/thùng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0.1% sau khi không thay đổi hồi tháng 7, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 0.1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Các quan chức Fed dự kiến nhóm họp vào ngày 20-21/9, với lạm phát cao hơn mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao về giao dịch tại BOK Financial, nhận định: “Fed có thể phải nâng lãi suất nhanh hơn dự báo, điều này có thể dẫn đến tâm lý “né tránh rủi ro” đối với dầu thô và tăng thêm sức mạnh cho đồng USD”.
Dầu thường được neo giá theo đồng USD, vì vậy đồng bạc xanh mạnh hơn khiến hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Các lệnh phong toả Covid-19 mới ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, cũng gây áp lực lên giá dầu thô.
Dữ liệu chính thức cho thấy số lượng các chuyến đi trong kỳ nghỉ Tết Trung thu kéo dài 3 ngày ở Trung Quốc giảm mạnh, với doanh thu ngành du lịch cũng giảm, khi các lệnh hạn chế liên quan đến Covid-19 khuyến cáo người dân không nên đi lại.
Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ sụt 8.4 triệu thùng xuống còn 434.1 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1984, theo dữ liệu của Chính phủ công bố hôm thứ Hai (12/9).
Một phóng viên của Bloomberg cho biết trên Twitter rằng Mỹ có thể bắt đầu bổ sung lại SPR khi giá dầu thô giảm dưới mốc 80 USD/thùng.
Trong khi đó, triển vọng khôi phục thoả thuận hạt nhân của phương Tây với Iran vẫn mờ mịt. Vào ngày thứ Hai, Đức bày tỏ sự tiếc nuối khi Tehran không phản ứng tích cực với các đề xuất của châu Âu nhằm khôi phục thoả thuận năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết một thoả thuận sẽ khó có thể đạt được trong thời gian tới.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày thứ Ba vẫn không thay đổi dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và năm 2023, với các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự báo bất chấp những rào cản như lạm phát tăng cao.
An Trần (theo CNBC)