Vietstock - Dầu phục hồi hơn 3% nhờ những đe doạ về nguồn cung
Giá dầu tăng hơn 3% vào ngày thứ Sáu (09/9), được hỗ trợ bởi thực tế và những đe doạ cắt giảm nguồn cung, mặc dù các hợp đồng tương lai vẫn khép lại tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi việc nâng lãi suất quyết liệt và các lệnh phong toả Covid-19 ở Trung Quốc đã gây áp lực lên triển vọng nhu cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe doạ sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu nếu bị áp trần giá và việc cắt giảm một lượng nhỏ sản lượng của OPEC+ đã công bố trong tuần này cũng hỗ trợ giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 3.30 USD (tương đương 3.7%) lên 92.45 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3.11 USD (tương đương 3.7%) lên 86.65 USD/thùng.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Trong những tháng tới, phương Tây sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn cung năng lượng từ Nga và giá dầu tăng vọt”.
Bị áp lực bởi những lo ngại về suy thoái và nhu cầu, dầu Brent đã giảm mạnh từ mức tăng hồi tháng 3 lên mức cao mọi thời đại 147 USD/thùng sau cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Bất chấp đà phục hồi trong ngày thứ Sáu, cả 2 hợp đồng dầu đề ghi nhận mức giảm trong tuần, với dầu Brent mất 0.6% trong tuần qua sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022. Dầu WTI giảm 0.3% trong tuần.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Christopher Waller, cho biết trong ngày thứ Sáu răng nếu Fed có thể giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới mốc 5%, thì cơ quan này có thể phải quyết liệt trong việc làm giảm lạm phát nhưng sau đó sự đánh đổi sẽ xuất hiện.
Fed nên quyết liệt nâng lãi suất trong khi nền kinh tế “có thể chịu một cú đấm”, ông Waller nói.
Một quan chức Bộ Năng lượng Mỹ cho biết Nhà Trắng không xem xét việc giải phóng thêm từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ vào thời điểm này ngoài 180 triệu thùng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo vài tháng trước. Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói với Reuters rằng chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc giải phóng thêm dầu từ SPR.
Dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ đã mất 5 giàn còn 591 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2022m khi sự tăng trưởng về số lượng giàn khoan và sản lượng đã chậm lại bất chấp giá năng lượng tương đối cao.
Trong khi đó, việc nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này và thêm nhiều lệnh phong toả Covid-19 ở Trung Quốc đã gây áp lực lên giá dầu.
Thành phố Thành Đô đã mở rộng lệnh phong toả đối với phần lớn hơn 21 triệu dân vào ngày thứ Năm (08/9), trong khi hàng triệu người ở những khu vực khác của Trung Quốc được yêu cầu hạn chế đi lại trong những ngày lễ sắp tới.
An Trần (theo CNBC)