Vietstock - Bị Mỹ cấm nhập dầu, Nga tìm ai mua thay thế?
Khi không còn xuất khẩu dầu qua Mỹ, Nga có thể tăng cường bán cho các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố cấm nhập dầu, khí hóa lỏng (LNG) và than của Nga. Phía Anh không cấm nhập khẩu dầu Nga ngay lập tức, mà sẽ giảm dần nhu cầu cho đến cuối năm, nhằm "cho thị trường thời gian để tìm giải pháp thay thế", Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho hay.
Lượng nhập khẩu dầu từ Nga chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu dầu của Mỹ. Mỹ giảm nhập khẩu dầu thô của Nga từ mức cao nhất 362.000 thùng/ngày hồi tháng 6/2021 xuống 84.000 thùng/ngày trong ngày 28/2.
Ở chiều ngược lại, Mỹ không phải là thị trường lớn của Nga, khi chỉ khoảng 1% lượng dầu xuất khẩu của Nga được xuất sang Mỹ.
Mặc dù phụ thuộc nhiều vào dầu và khí đốt từ Nga, châu Âu đã đưa ra kế hoạch cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay. Những diễn biến trên buộc Moscow phải điều hướng xuất khẩu nhiều hơn sang các đối tác như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Tăng cường quan hệ Nga - Trung bằng "Sức mạnh Sibera"
Trung Quốc là đối tác mua dầu lớn nhất của Nga tại châu Á, chiếm 15,4% lượng xuất khẩu dầu của Nga, với lưu lượng trung bình khoảng 1,6 triệu thùng/ngày. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba cho Trung Quốc, xuất khẩu 16,5 tỷ m3 năm 2021, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu của nước này, theo Reuters.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 35,9% trong năm 2021, lên mức kỷ lục khoảng 147 tỷ USD. Nga đóng vai trò là nguồn cung cấp dầu, khí đốt, than chính, dẫn đến thặng dư thương mại với Trung Quốc.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố các thỏa thuận dầu khí mới của Nga với Trung Quốc trị giá khoảng 117,5 tỷ USD.
Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng 400 tỷ USD kéo dài 30 năm với dự án đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) - được xây dựng năm 2019, dự kiến lưu lượng nguồn cung dầu khí sẽ tăng lên 38 tỷ m3 mỗi năm trong năm 2025, so với 10,5 tỷ m3 năm 2021.
Bên cạnh đó, dự án Power of Siberia 2 (tên gọi khác là Soyuz Vostok), cũng được tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ký hợp đồng thiết kế đường ống với Trung Quốc, ước tính công suất 50 tỷ m3 mỗi năm, đưa dầu khí Nga chạy qua Mông Cổ đến Trung Quốc, theo Financial Times.
Các tuyến đường ống hiện tại Nga dùng để vận chuyển dầu khí tới Trung Quốc, cùng dự án Power of Siberia 2 đang được lên kế hoạch. Đồ họa: China's Resource Risks. |
Power of Siberia 2 có thể giúp Nga tiếp cận tốt hơn với các thị trường thay thế ở phương Đông, khi các công ty dầu khí phương Tây dừng hợp tác do các lệnh trừng phạt.
Nếu Nga và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cung cấp mới, Gazprom có thể xây dựng một đầu nối giữa các hệ thống đường ống đi hướng Tây và hướng Đông, và giảm phụ thuộc vào thị trường châu Âu.
Bloomberg ngày 8/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc đang cân nhắc mua cổ phần tại các công ty năng lượng và sản xuất hàng hóa của Nga, như Tập đoàn Gazprom hay hãng sản xuất nhôm United Co. Rusal International.
Nguồn tin cho biết mọi thỏa thuận nhằm tăng cường nhập khẩu của Trung Quốc khi nước này tập trung vào năng lượng và an ninh lương thực để đảm bảo nguồn cung, trước sức ép về giá cả leo thang do xung đột ở Ukraine.
Một nguồn tin khác từ Bắc Kinh nói rằng khí đốt của Nga từ đảo Sakhalin ở Viễn Đông sẽ được vận chuyển xuyên biển Nhật Bản đến Trung Quốc, với lưu lượng lên đến 10 tỷ m3 mỗi năm. Ngoài ra, khoảng 40% nguồn cung dầu khí của Nga chảy qua đường ống East Siberia Pacific Ocean (ESPO) dài hơn 4.000 km.
Nga có thể tăng cường xuất khẩu dầu và khí đốt sang các đối tác lâu đời như Trung Quốc hay Ấn Độ. Ảnh: RT. |
Thêm một thị trường tỷ dân
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới. Dù tỷ trọng nhập khẩu dầu của Nga không cao (chỉ khoảng 1% năm 2021), Ấn Độ là đối tác lâu đời của Moscow, với các hợp đồng mua dầu thô dài hạn. Bloomberg ngày 25/2 cho biết các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đã mua 6 triệu thùng dầu Ural - con số cao nhất trong ba năm qua.
Dù vậy, khó khăn của Nga khi xuất khẩu dầu sang Ấn Độ nằm ở yếu tố hậu cần. Cước vận tải biển tăng cao do xung đột, và quãng đường vận chuyển từ Nga đến Ấn Độ qua Biển Đen cũng xa hơn so với Mỹ và châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết đã nhận được các đề nghị mua dầu của Nga với giá ưu đãi, nhưng New Delhi cần tổng hợp nhiều yếu tố hậu cần, cũng như xem xét tính khả thi nếu mua dầu của Nga trong thời điểm này.
Ấn Độ nhấn mạnh yêu cầu phía Nga thanh toán cước bảo hiểm để bù vào giá dầu thô tăng do xung đột.
Tỷ trọng xuất khẩu dầu của Nga đến các nước trong năm 2020. Đồ họa: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. |
Xung đột ở Ukraine khiến người dân Ấn Độ tích trữ dầu ăn và nhiên liệu, khiến những mặt hàng này thiếu hụt, giá cả leo thang.
Việc Nga rút khỏi thị trường Mỹ được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn giữa Nga và Ấn Độ trong việc đầu tư chuỗi cung ứng năng lượng và hợp tác trong lĩnh vực hóa dầu.
Dầu của Nga có hàm lượng lưu huỳnh cao và nhiều tạp chất khác, nên việc tinh chế cần thiết bị chuyên dụng, khiến các nước muốn nhập khẩu dầu Nga phải cân nhắc. Dù vậy, Ấn Độ hay Thái Lan được cho là những nhà mua phù hợp với Nga, theo Conversation.
Trần Hoàng