Bài phân tích và nhận định dựa theo quan điểm của cá nhân.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đã có những phiên giao dịch sau Tết âm lịch khá tích cực. Và nhà đầu tư, như thường lệ đã đi từ trạng thái bi quan sang hưng phấn một cách thái quá này sang thái cực khác mất đi sự cân bằng cần thiết. Thật lạ lùng và thú vị khi tháng 01/2019, chúng ta là một trong những thị trường chứng khoán tệ nhất theo thống kê của trang www.indexxq.org và nhanh chóng sau đó, chúng ta đang là thị trường tăng nhiều nhất trong tuần rồi và tháng rồi khi xếp thứ 5 toàn thế giới. Và mọi sự thái quá đều mang một ý nghĩa nào đó.
Dù biết rằng những gì đáng kỳ vọng còn đang ở phía trước nhưng dường như chúng ta đã quên đi tâm lý bi quan giai đoạn trước Tết âm lịch và quên luôn sự cẩn trọng cần thiết với những rủi ro vẫn chưa qua đi như (1) Tình hình kinh tế - chính trị nội bộ và Quốc tế tương đối khó dự báo. (2) Những yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá hay dễ nhận thấy nhất là tín dụng ngân hàng và nhiều vấn đề về BĐS…
Về những thông tin ngắn hạn hơn thúc đẩy thị trường vừa qua, tôi xin đưa ra những đánh giá sau:
1. Dự thảo thông tư quy định hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên xin lưu ý là việc này chỉ đang trong quá trình lấy ý kiến và động thái này có tác động tương đối phức tạp và cần nhìn nhận trên nhiều góc độ và rất khó có việc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc trên diện rộng tại các tổ chức tín dụng. Thông tin này nếu có tác động, tôi cho rằng chỉ là tác động tâm lý lên thị trường chứng khoán và việc nhà đầu tư kỳ vọng vào “sóng ngân hàng” nên được xem xét cẩn trọng.
2. Một số anh/chị cho rằng hội nghị Mỹ - Triều tổ chức tại Việt Nam ngày 27-28/02 sẽ mang lại cho thị trường những kỳ vọng tích cực. Tuy nhiên theo tôi đánh giá, sự kiện này không tác động nhiều dù có tổ chức tại Việt Nam và hai bên sẽ không đi đến kết quả nào thực sự ý nghĩa.
3. Yếu tố rủi ro nhất mà tôi luôn lo ngại liên quan đến kinh tế - chính trị Quốc tế là sự kiện Brexit chứ không phải là Mỹ - Trung như phần còn lại đang hướng mắt về. Brexit sẽ là quả bom nổ chậm cần được xem xét nghiêm túc khi Anh là nền kinh tế lớn có quy mô lớn thứ 5 thế giới theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Rủi ro Anh rời EU mà không đi đến một thỏa thuận nào vào 29/03 là một biến cố có thể gây tác động tiêu cực lên tài chính thế giới.
4. Xu hướng của tỷ giá cũng là một yếu tố cũng cần được xem xét khi chỉ số Dollar Index DXY đang cho thấy một số rủi ro nhất định khi ngấp nghé chạm vùng kháng cự. Trong kịch bản chỉ số này vượt 98,x trong thời gian tới sẽ đưa thị trường chứng khoán không chỉ riêng Việt Nam mà cả những chỉ số lớn khác đến những áp lực nhất định. (ảnh đính kèm (1), chỉ số DXY Dollar Index)
Những thông tin tích cực về cơ bản mang yếu tố tâm lý ngắn hạn mà tôi cho rằng nó sẽ sớm kết thúc và dù xu hướng chính vẫn sẽ được duy trì thì vẫn khó tránh khỏi khả năng phân hóa mạnh trong thời gian tới khi có sự xoay trục và sàng lọc của dòng tiền thay vì thực trạng tất cả đều tăn như hiện tại. Thị trường, dù trong kịch bản nào thì để duy trì yếu tố bền vững đều buộc phải (1) hoặc tích lũy trở lại đủ lâu để dòng tiền phân hóa và chuẩn bị cho đợt bùng nổ kế tiếp, (2) hoặc điều chỉnh từ 1 - 2% trước khi trở lại xu hướng tăng. Nhà đầu tư nên có sự thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để không rơi vào trạng thái bị động và việc hạ tỉ trọng đối với những cổ phiếu mang tính chất thị trường là cần thiết.
Về mặt kỹ thuật VNIndex đang ở trên đường MA200 và đường MA100 và đây là vùng kháng cự khá mạnh mà Index nhiều lần thất bại trong việc chinh phục. Với bối cảnh thị trường hiện tại sau khi đã tăng khá nóng từ vùng tích lũy 900 - 910 và vượt trend giảm hình thành từ đầu năm 2018 thì chúng ta chưa có một phiên chỉnh thật sự nào. Tôi cho rằng, trong kịch bản tích cực nhất, sự điều chỉnh về vùng 950 - 960 và tích lũy lại là cần thiết như quan điểm vừa để cập ở trên. (ảnh đính kèm (2), chỉ số VNINDEX)