Điểm nhấn thị trường
TTCK Việt Nam giảm điểm phiên ngày hôm nay, tương đồng với diễn biến điều chỉnh của TTCK khu vực và chỉ số chứng khoán tương lai Mỹ trước diễn biến tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 ở Châu Âu và Mỹ, trong khi gói kích thích kinh tế mới của Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ sớm được thông qua. Áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cũng là nhóm tăng mạnh và hỗ trợ chính cho xu hướng chung của thị trường trong 2 tháng trờ lại đây, khiến hàng loạt các cổ phiếu trong ngành giảm sâu như BID (HM:BID) (-4.2%), CTG (HM:CTG) (-4.1%). Cổ phiếu dầu khí cũng điều chỉnh đồng loạt ở PVD (HM:PVD) (-3.5%), PVS (HN:PVS) (-2.9%) trước diễn biến giảm mạnh của giá dầu thế giới khi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng khiến thị trường lo ngại triển vọng lực cầu trong tương lại. Cổ phiếu ngành khai thác cao su thiên nhiên đi ngược thị trường và tăng giá ở PHR (HM:PHR) (+1.8%), DPR (HM:DPR) (+4.2%) trước diễn biến tăng của giá cao su tự nhiên trong vài phiên gần đây. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng ở MSN (HM:MSN) (+2.2%), HPG (HM:HPG) (-0.3%), VIC (HM:VIC) (+1.1%).
Hợp đồng tương lai/Quỹ ETF
HĐTL diễn biến giảm điểm dưới áp lực bán chốt lời trong bối cảnh TTCK toàn cầu cũng diễn biến tiêu cực. Chênh lệch F2011 và VN30 mở cửa ở mức 5.6, giao động quanh 0.8 và 6.8 trước khi đóng cửa ở ngưỡng 7.44. NĐTNN bán ròng nhẹ trong phiên hôm nay trong khi thanh khoản thị trường không có nhiều thay đổi.
Tâm điểm cổ phiếu trong ngày
SBT (HM:SBT) giảm -2% xuống 15,000 VNĐ/cp.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, SBT đặt mục tiêu kinh doanh niên độ 2020-2021 (bắt đầu từ tháng 7/2021) với lợi nhuận trước thuế 662 tỷ (+29% YoY), doanh thu 14,358 tỷ (+11% YoY) và sản lượng tiêu thụ đạt 1,058 ngàn tấn (+0.2% YoY). Công ty cũng đặt ra mục tiêu tổng số khách mới cho kênh B2B và xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ban lãnh đạo SBT dự kiến sẽ trình cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ dưới 20% vốn điều lệ trực tiếp cho nhà đầu tư chiến lược.
DPM (HM:DPM) giảm -1.5% xuống 16,950 VNĐ/cp.
DPM công bố báo cáo tài chính quý 3 với lợi nhuận 182 tỷ đồng (+200% YoY), doanh thu 1955 tỷ đồng (+ 3.3%), biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 22.7% từ mức 16.6% cùng kỳ. KQKD tích cực của DPM chủ yếu nhờ chi phí giá vốn giảm 3.6% YoY (nhờ diễn biến giảm của giá dầu) và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 21.8% YoY.
Quan điểm kỹ thuật
VNIndex mở gap tăng điểm nối tiếp đà tăng khá hưng phấn trước khi đảo chiều giảm mạnh về cuối phiên.
Với việc phản ứng đảo chiều tại vùng kháng cự cùng với sự xuất hiện của mẫu nến bearish engulfing, một lần nữa thị trường lại đứng trước rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, để gia tăng độ tin cậy của mẫu hình, chúng tôi vẫn cần quan sát thêm 1 phiên giảm điểm tiêu cực kế tiếp xác nhận.
NĐT được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ tỷ trọng thấp, chỉ gia tăng 1 phần vị thế trading T+ nếu thị trường cho tín hiệu hồi phục thành công trong phiên ngày mai.
VN30 và F1 tiếp tục nối tiếp đà tăng khá hưng phấn trong phiên trước khi đảo chiều giảm mạnh về cuối phiên.
Với sự xuất hiện của mẫu nến pin bar với bóng nến trên dài, một lần nữa chỉ số lại đứng trước rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, để gia tăng độ tin cậy của mẫu hình, chúng tôi vẫn cần quan sát thêm 1 phiên giảm điểm tiêu cực kế tiếp xác nhận.
NĐT được khuyến nghị ưu tiên mở vị thế SHORT tại vùng kháng cự trong phiên (92x) nhưng cần đặt điểm STOP nếu chỉ số tiếp tục vượt cản thành công.