Yếu tố cơ bản lên ngôi
Chúng tôi điều chỉnh vùng điểm hợp lý chỉ số VNIndex thời điểm cuối năm 2022 xuống 1,680 điểm (giảm so với dự báo 1,760 điểm đưa ra trong báo cáo năm 2022). Cụ thể, chúng tôi điều chỉnh giảm P/E mục tiêu 2022 của VNIndex xuống 16.5 lần (từ 17.5 lần), cũng như hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15.1% (từ mức 15.7%) để phản ánh 1 số rủi ro vĩ mô gia tăng.
Xu hướng đi ngang của TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài với các nhịp tăng/giảm đan xen trong Q2/2022 khi các yếu tố rủi ro (FED tăng lãi suất, xung đột Nga- Ukraine, lạm phát, lãi suất tăng...) và thuận lợi (kinh tế trong nước phục hồi, gói kích thích kinh tế của Chỉnh phủ, sức khoẻ các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện...) dần định hình. Diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét, dòng tiền quay vòng và tìm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ các điều kiện vĩ mô. Về tổng thể, chúng tôi thận trọng với diễn biến thị trường trong quý 2 khi các yếu tố rủi ro có phần chiếm ưu thế, tuy nhiên duy trì đánh giá các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu kỳ vọng sự khởi sắc của thị trường trong nửa sau 2022.
Chúng tôi ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công và đà hồi phục của nền kinh tế ( xem thêm phần V), bao gồm:
- Nhóm bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu (MWG (HM:MWG) , PNJ (HM:PNJ))
- Nhóm ngân hàng (VCB (HM:VCB), BID (HM:BID), CTG (HM:CTG), MBB (HM:MBB), TCB (HM:TCB)...) với kỳ vọng cầu tín dụng tăng trưởng cao, nợ xấu được hoàn nhập khi doanh nghiệp phục hồi hậu covid trong bối cảnh các ngân hàng đã chủ động trích lập ở mức cao
- Nhóm doanh nghiệp BĐS nhà ở (VHM (HM:VHM), KDH (HM:KDH), NLG (HM:NLG), DXG (HM:DXG) ...) và BĐS KCN (KBC (HM:KBC), NTC (HM:NVL), IDC (HN:IDC)...) sở hữu quỹ đất nằm gần các dự án trọng điểm
- Nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng (HPG (HM:HPG), DHA...) và doanh nghiệp thi công hạ tầng, giao thông thông minh (LCG, ELC, ITD...) hưởng lợi từ đầu tư công
- Nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản tiếp tục hưởng lợi với kỳ vọng hoạt động sản xuất bình thường trở lại và nhu cầu tiếp tục phục hồi (MSH (HM:MSH), STK (HM:STK), ANV (HM:ANV)...)
Trong năm 2022, Bộ phận phân tích doanh nghiệp của chúng tôi đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành BĐS khu công nghiệp, bán lẻ, thuỷ sản, ngân hàng, bất động sản, dầu khí, công nghệ thông tin, điện, (chi tiết về triển vọng ngành xem thêm ở phần VI của báo cáo).
I. Triển vọng TTCK 2022
TTCK Việt Nam giảm nhẹ về điểm số trong khi thanh khoản tăng mạnh so với cùng kỳ
TTCK Việt Nam đi ngang, giảm nhẹ trong quý I 2022 trong bối cảnh các yếu tố rủi ro ngoại biên gia tăng liên quan đến động thái tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 2 năm của FED tại kỳ họp tháng 3, xung đột địa chính trị Nga – Ukraine, trong khi các yếu tố trong nước cũng không thuận lợi liên quan đến sự kiện đấu giá Thủ Thiêm, áp lực lạm phát trong nước lớn dần. Dù vậy, triển vọng tích cực của nền kinh tế, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp thị trường tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu. Tính cho cả quý I, chỉ số VNIndex giảm -0.4% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1.6 lần so với cùng kỳ.
Dòng tiền trong Q2 khả năng cao có xu hướng giảm nhẹ so với mức nền cao cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với cùng kỳ.
Mặc dù giá trị giao dịch tăng mạnh so với quý liền trước nhưng dòng tiền luân chuyển có tính tập trung hơn trong bối cảnh thị trường chung đi ngang và có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu thay vì xu hướng tăng chung như trong giai đoạn 2020-2021, trong đó nhóm ngành thu hút dòng tiền là nguyên vật liệu, hóa chất, thủy sản (Biểu đồ 3) ... do giá hàng hóa tăng trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Trong Q2, chúng tôi cho rằng dòng tiền sẽ có xu hướng giảm nhẹ so với mức nền cao cuối năm 2021, đầu 2022 trong bối cảnh dòng tiền bị rút ra để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế vận hành trở lại. Dù vậy, mức nền lãi suất dự báo dù tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp cùng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh đầu tư khác (vàng, USD, bất động sản...) ở thời điểm hiện tại giúp thanh khoản thị trường trong quý 2 khó giảm mạnh và nhìn chung vẫn cao hơn so với cùng kỳ.
Xem thêm tại đây