Kathy Liên, Giám đốc điều hành Chiến lược ngoại hối cho Công ty quản lý tài sản BK
Tóm tắt thị trường ngoại hối hàng ngày - tháng 8
Các nhà đầu tư đang rón rén đầu tư trở lại vào chứng khoán Mỹ. Giá cổ phiếu tăng cao trong ngày thứ ba liên tiếp, lợi suất Kho bạc tăng trở lại từ mức thấp nhất và đồng đô la Mỹ bắt đầu tuần mới mạnh mẽ hơn so với tất cả các loại tiền tệ chính khác. Những động thái này không liên quan gì đến kỳ vọng về các dữ liệu vì không có báo cáo kinh tế quan trọng nào của Mỹ đựơc công bố trong tuần này. Thay vào đó, giá trị ngoại hối tiếp tục bị chi phối bởi tin tức truyền thông và triển vọng nới lỏng tài chính và tiền tệ. Đối với Hoa Kỳ nói riêng, Nhà Trắng có khả năng đang xem xét cắt giảm thuế thu nhập để kích thích nền kinh tế. Chúng tôi biết rằng Tổng thống Trump không hài lòng với mức độ cắt giảm lãi suất nên nếu Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục đưa ra những quyết định không đạt mức kỳ vọng của ông, lựa chọn duy nhất của ông sẽ là kích thích tài khóa. Việc cắt giảm thuế thu nhập sẽ được thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ hoan nghênh nhưng nó cần được Quốc hội thông qua và Hạ Nghị Viện của đảng Dân chủ sẽ khó lòng ủng hộ vì thuế thu nhập tạo ra An sinh xã hội, điều mà họ đang tích cực tìm cách mở rộng. Tuy nhiên, chỉ cần bàn về kích thích nền kinh tế đã đủ để khiến các nhà đầu tư hừng hực khí thế, đặc biệt khi Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bàn nhiều hơn đến kích thích tài khóa.
Theo ghi nhận của đồng nghiệp của chúng tôi, ông Boris Schlossberg, “Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết vào Chủ nhật, rằng Berlin có thể cung cấp tới 50 tỷ euro chi tiêu thêm trong trường hợp nền kinh tế chậm lại. Mặc dù con số này khá khiêm tốn, nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiết kiệm khét tiếng của Đức cuối cùng cũng bắt đầu hiểu được sự cần thiết phải hành động vì nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tiến gần đến suy thoái.’ Điều này mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho đồng Euro vào cuối phiên NY khi đồng tiền giảm giá và kéo dài sự trượt dốc sang ngày thứ năm liên tiếp. Khi ECB dự kiến sẽ tăng kích thích kinh tế vào tháng tới và trong tuần này, chỉ số PMI có thể sẽ yếu đi, cặp EUR/USD có khả năng sẽ sụt giảm. Hỗ trợ là mức thấp nhất trong tháng 8 - 1.1027USD nhưng mức giá then chốt cần theo dõi là 1.10USD.
Phong thái giao dịch thị trường ngày mai phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, khi nước này sẽ công bố chi tiết về chương trình Lãi suất cho vay cơ bản (Loan Prime Rate) mới của họ vào lúc 9:30 sáng giờ địa phương (9:30 tối NY). Lãi suất LPR thả nổi mới thay thế lãi suất cho vay chuẩn cố định hiện tại và được cập nhật vào ngày 20 hàng tháng. Bằng cách cho phép lãi suất tự điều chỉnh, về cơ bản họ đang cho phép lãi suất giảm. Lãi suất cố định hiện tại nằm ở mức 4,35% và chưa thay đổi trong gần 4 năm. Khi chương trình mới ra mắt tối nay, lãi suất sẽ thấp hơn và có thể tiếp tục giảm. Lãi suất càng thấp, phản ứng trên thị trường càng tích cực. Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất này, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi sự kích thích tài khóa từ Trung Quốc.
Hãy để mắt đến đồng đô la Úc và New Zealand vì chúng rất nhạy cảm với các thông báo của Trung Quốc. Biên bản của cuộc họp Ngân hàng Dự trữ Úc gần đây nhất sẽ được công bố cùng với phiên đấu giá sữa New Zealand. Khi RBA họp, họ đã coi nhẹ sự cần thiết của việc nới lỏng thêm nền kinh tế và đề cập đến thị trường lao động hiện vẫn mạnh mẽ. Đồng đô la Úc đang yếu, nên nếu biên bản cuộc họp này thể hiện quan điểm ôn hòa hơn, đồng tiền có thể sẽ sụt giảm do kỳ vọng giảm lãi suất thêm lần nữa trong năm nay.