Thị trường ảm đạm khi các cổ phiếu lớn đua nhau "nằm sàn".
Việt Nam, thị trường chứng khoán tốt nhất châu Á đang có tháng tồi tệ nhất trong hơn 2 năm, với khoản lỗ 14 tỷ USD vốn hóa thị trường kể từ mức kỷ lục ngày 6/4.
“Thị trường đã đạt đỉnh” sau khi VNIndex tăng 130% từ mức thấp 2016, Alan Richardson, quản lý danh mục đầu tư của Quản lý Tài sản Samsung, cho biết. Quỹ này có mức lợi nhuận vượt 94% mức bình quân 5 năm,Samsung Asset Managementvừa bán phần lớn cổ phiếu của Việt Nam vào tháng 3.
Các cổ phiếu và tiền tệ trên thị trường mới nổi đang phải gánh chịu tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, làm lu mờ tình trạng căng thẳng kinh tế và địa chính trị. Chỉ số MSCI EM (thị trường mới nổi) đang trên đà đi xuống cho tháng thứ 3, mức giảm dài nhất kể từ tháng 2/2016.
Sáng nay (24/4), chỉ số chuẩn trong nước giảm 1,7% xuống mức thấp nhất từ 13/2.
Làn sóng IPO
Chiến dịch cổ phần hóa của Chính phủ thúc đẩy một loạt công ty tìm cách khai thác thị trường vốn trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao và tăng trưởng kinh tế thúc đẩy thị trường. VNIndex tăng 48% trong 2017 và thêm 22% trong năm nay, đạt mức kỷ lục hôm 6/4.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang huy động khoảng 21 nghìn tỷ đồng (922 triệu USD). Đây sẽ là đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, vượt qua thương vụ của Vincom Retail vào tháng 10/2017.
Những vụ chào bán tiềm năng này cũng có thể là lý do đằng sau đợt bán tháo hiện nay, khi nhà đầu tư bán cổ phần hiện tại để dành vốn cho các cổ phiếu sắp tới, Joshua Crabb, người đứng đầu mảng vốn cổ phần châu Á tại Old Mutual Global Investors, nhận định.
Khoảng 536 triệu USD vốn ngoại trong năm nay đẩy thị trường lên mức kỷ lục trong khi định giá tăng lên 20,7 lần so với thu nhập kỳ vọng 12 tháng trong tháng 1, mức cao nhất từng được ghi nhận. Thị trường đang giao dịch ở mức 17,7 lần thu nhập, cao hơn mức 15,3 của chỉ số MSCI Đông Nam Á.