Khuyến nghị Nắm Giữ với giá mục tiêu 35,700 VNĐ
Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cho cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 35,700 VNĐ/ cổ phiếu, tương đương mức tổng lợi suất sinh lời 5,9% dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) cho mảng gỗ, cao su, khu công nghiệp và các mảng khác. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị dựa vào các yếu tố sau:
Mảng cao su tự nhiên (CSTN) tăng trưởng 71.4% lợi nhuận gộp 2021 nhờ giá bán tăng mạnh.
Chúng tôi dự phóng biên gộp mảng cao su năm 2021 sẽ tăng mạnh từ 18.8% lên 23.3% nhờ giá bán cao su tăng trưởng 29.1% lên 1653 USD/ tấn. Trong giai đoạn 2021-2025, biên gộp của GVR sẽ tiếp tục đạt mức biên lợi nhuận cao gộp 22.8% nhờ định hướng phát triển theo hình thức thâm canh, qua đó giảm giá vốn nhờ giảm diện tích trồng cao su nhưng vẫn đạt tăng trưởng sản lượng bình quân 4.13% CAGR.
Nhà phát triển bất động sản hàng đầu với mục tiêu nâng diện tích đất KCN quản lý lên tới 26,000 ha trong 15 năm tới.
Theo chiến lược mới đề ra tại ĐHCĐ, trong 100,000 ha diện tích trồng cao su giảm đi 20,000 ha sẽ được sử dụng cho phát triển KCN và 40,000 cho chuyển đổi CSHT. Qua đó, GVR dự kiến sẽ nâng quỹ đất quản lý lên 26,000 ha, gấp 2.5 lần quỹ đất của Becamex, công ty quản lý KCN lớn nhất hiện nay. Với đơn giá đền bù đất chuyển đổi CSHT lên tới 0.6 tỷ đồng/ ha, chúng tôi cũng kì vọng khoản đền bù 40,000 ha sẽ đóng góp không nhỏ cho GVR các năm tới
Mảng cao su công nghiệp (CSCN) và gỗ sẽ phát triển thông qua hình thức M&A, gia tăng chuỗi giá trị.
Mảng CSCN và gỗ được kì vọng sẽ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 lần lượt là 17.5% CAGR và 10% CAGR. Chúng tôi đánh giá mảng CSCN sẽ tăng trưởng mạnh nhờ kế hoạch tăng gấp đôi công suất găng tay lên 5 tỷ chiếc/ năm và dự định M&A với Vinachem để khép kín chuỗi giá trị xăm lốp. Mảng gỗ tuy đã đạt 100% công suất nhưng vẫn là một mảng có dư địa tăng trưởng cao, do vậy kế hoạch phát triển sắp tới của BLĐ sẽ là thực hiện M&A để gia tăng công suất mảng này.
Niêm yết ra công chứng với mã cổ phiếu GVR vào 2018 và có vốn điều lệ 40 nghìn tỷ đồng; vốn hóa gần 135 nghìn tỷ.
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) được thành lập từ 1975 và chính thức niêm yết trên sàn GDCK vào quý 2/2018 sau khi được chính phủ phê duyệt và thực hiện chào bán một phần cổ phần ra công chúng. Tại thời điểm hiện tại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đang nắm 96.8% vốn. Công ty hoạt động chính trên 3 ngành nghề kinh doanh chính: cao su và công nghiệp cao su, gỗ và khu công nghiệp. Tập đoàn đang có vị thế dẫn đầu ở tất cả ngành nghê kinh doanh cốt lõi: 30% sản lượng cao su cả nước, 28% sản lượng gỗ làm từ cao su toàn ngành và định hướng tương lai sẽ là doanh nghiệp đầu ngành KCN với quỹ đất quản lý hơn 26,000 ha trong 15 năm tới.
92.8% lợi nhuận gộp của GVR nằm ở 3 mảng kinh doanh cốt lõi: cao su, gỗ và KCN.
Tỷ trọng lợi nhuận gộp theo 3 mảng cao su, gỗ và KCN lần lượt là 71.6%, 8.8% và 12.5%. Mảng cao su qua đó sẽ vẫn đóng góp chủ chốt vào lợi nhuận trong các năm tới, tuy nhiên tỷ trọng sẽ giảm dần khi BLĐ tập trung vào phát triển các mảng có tăng trưởng cao hơn là gỗ và KCN. Các ngành nghề kinh doanh khác dự kiến sẽ càng chiếm thị phần nhỏ khi GVR thực hiện thoái vốn khỏi những mảng không thiết yếu.
Bảng 1. Ngành nghề kinh doanh cốt lõi của GVR
Doanh nghiệp đầu ngành cao su với diện tích trồng lên tới 402,000 ha.
GVR là công ty có vị thế đầu ngành trong mảng cao su tại Việt Nam với quỹ đất quản lý lên tới 402,000 ha – trong đó diện tích cao su kinh doanh đạt 240,004 ha. Trong đó, đất trồng cao su ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt là 288,100 ha (29.7% diện tích cao su Việt Nam), 87,000 ha và 30,000 ha. Trong năm 2020 GVR đã khai thác được 369,731 tấn cao su, tương đương với năng suất 1.56 tấn/ha – thấp hơn mức bình quân ngành 1.68 tấn/ha. Chúng tôi cho rằng năng suất thấp hơn là do các đồn điền cao su của GVR tại Campuchia và Lào vẫn còn khá mới nên năng suất không được cao, chỉ ở mức 1.42 tấn/ha và 1.23 tấn/ha. Vào 2021, sản lượng cao su của GVR ở Campuchia được dự phóng sẽ đạt 100,700, tương đương tăng 14,000 tấn so cùng kỳ. Tập đoàn cũng đồng thời là doanh nghiệp đóng góp vào nhiều nhất vào xuất khẩu với tỉ trọng lên tới 35% giá trị.
Mộ trong những nhà sản xuất cao su công nghiệp hàng đầu với thị phần mảng găng tay y tế lên tới 30%.
Giai đoạn 2020 và 2021 các nhà máy sản xuất găng tay của GVR đã hoạt động 100% công suất, qua đó tiêu thụ 2.64 tỷ chiếc găng tay so với thiết kế nhà máy 2.5 tỷ chiếc/ năm. Do nhu cầu găng tay thế giới vẫn chưa được đáp ứng hết và tập đoàn đã có nhận đủ đơn hàng cho tới 2022 nên mảng găng tay dự kiến sẽ được nâng công suất lên gấp đôi vào Q4/2021. Trong mức doanh thu 2,689 tỷ đồng của CSCN, VRG – Khải Hoàn – đơn vị sản xuất găng tay y tế đóng góp tới 1,839 tỷ đồng.
Xem thêm tại đây