Mặc dù “Sell in May” đã được kiểm chứng đúng nhiều lần trong quá khứ, nhưng điều này không có nghĩa tháng 5 luôn mang lại điều kém tích cực, đặc biệt trong những năm gần đây.
Đến hẹn lại lên, mỗi đợt tháng 5 về cũng đồng nghĩa với nỗi lo về kịch bản "Sell in May and go away" (Bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi) hiện hữu trên TTCK. Việc giới đầu tư chứng khoán lo ngại diễn biến không mấy tích cực trong tháng 5 cũng là điều dễ hiểu bởi những con số thống kê cho thấy xu hướng TTCK Thế giới, bao gồm Việt Nam nhìn chung khá ảm đạm. Theo đó, kể từ khi ra đời vào năm 2000 tới nay, chỉ số VnIndex đã có tới 10 năm giảm điểm trong tháng 5 và cùng với tháng 11 là hai tháng có xác suất giảm cao nhất.
Diễn biến kém tích cực của TTCK trong tháng 5 có thể lý giải bởi đây là giai đoạn khoảng trống thông tin xuất hiện. Hầu hết các tin tức vĩ mô quan trọng trong nước đều được công bố vào quý 1, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào tháng 4. Tháng 5 là thời điểm các thông tin lác đác xuất hiện, thị trường thiếu vắng sự hỗ trợ dẫn tới xu thế thận trọng là chủ đạo trên thị trường.
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETF thường đẩy mạnh mua ròng trong quý 1 và họ thường quay đầu bán ròng trong quý 2, quý 3. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư bởi thị trường thiếu đi lực đỡ quan trọng.
Trên TTCK Việt Nam, mặc dù chưa đến tháng 5 nhưng ngay từ tháng 4 áp lực bán đã gia tăng đáng kể. Kết thúc tháng 4, chỉ số VnIndex dừng ở mức 1.050 điểm, tương ứng mức điều chỉnh 10,6% so với tháng trước đó và đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất trong vòng 7 năm qua.
Không chỉ giảm mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể. Thời điểm VnIndex đạt đỉnh 730 điểm, giá trị khớp lệnh trên HoSE ở mức 7.000 tỷ đồng thì đến nay chỉ còn khoảng 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu không tính giao dịch thỏa thuận đột biến tại Novaland thì khối ngoại cũng bán ròng khoảng 2.000 tỷ trên thị trường trong tháng 4.
Việc dòng tiền rút đi nhanh chóng càng khiến nhà đầu tư lo ngại về kịch bản không mấy êm ả với TTCK khi tháng 5 đang tới gần.
Tháng 5 năm nay sẽ tích cực hơn?
Mặc dù "Sell in May" đã được kiểm chứng đúng nhiều lần trong quá khứ, nhưng điều này không có nghĩa tháng 5 luôn mang lại điều kém tích cực, đặc biệt trong những năm gần đây.
Cụ thể, thống kê chỉ ra rằng trong 5 năm gần nhất (2013 – 2017) thì có tới 4 năm chỉ số VnIndex tăng điểm trong tháng 5. Năm giảm điểm duy nhất của VnIndex trong giai đoạn này rơi vào năm 2014 do ảnh hưởng từ sự kiện Biển Đông. Những con số thống kê phần nào cho thấy "Sell in May" không tác động quá nhiều tới TTCK Việt Nam như quan niệm của giới đầu tư bấy lâu nay.
Sau nhịp điều chỉnh mạnh tháng 4 vừa qua, P/E TTCK Việt Nam đã giảm mạnh từ 21,4 lần về 18,7 lần. Việc nhiều cổ phiếu về vùng giá hợp lý hơn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia và qua đó cũng giúp thị trường bớt phần áp lực trong tháng 5.
Bên cạnh đó, những thông tin về đợt chào bán cổ phần của Techcombank cũng được kỳ vọng sẽ mang đến thông tin tích cực, hỗ trợ cho thị trường trong tháng 5.
Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK HSC cho rằng nếu thị trường thế giới vẫn ổn định thì TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa hồi phục vì tin tức trong nước (các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018, KQKD Q1/2018 và kế hoạch chi trả cổ tức còn lại cho năm 2017) vẫn khá tích cực.
Thông tin tích cực về tình hình bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây, cũng như việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sau khi vượt mốc 3% vào cuối tháng 4 vừa qua đã "hạ nhiệt" và hiện chỉ còn khoảng 2,95% sẽ là yếu tố quốc tế quan trọng giúp thị trường trong nước ổn định hơn sau tháng 4 đầy "bão táp".