Đánh giá thị trường ngoại hối hằng ngày
Theo Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại BK Asset Management
Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh, chỉ số Dow Jones đã trải qua 2 ngày tồi tệ nhất trong 4 năm. Hôm thứ Tư, thị trường chứng khoán đã mở cửa tăng điểm nhưng xu hướng tăng đã mờ nhạt dần rồi thị trường đảo chiều giảm khi có thêm những thông tin mới về dịch bệnh. Đây là thị trường được dẫn dắt bởi thông tin, tại một thời điểm, chỉ số Dow đã tăng đến hơn 400 điểm. Thị trường ngoại hối cũng đi theo xu hướng chấp nhận rủi ro hay lo ngại rủi ro mà thị trường chứng khoán đang dẫn dắt. Nhưng hôm nay, chúng ta đã thấy một mối tương quan không rõ ràng khi thị trường chứng khoán giảm. Tỷ giá USD/JPY phục hồi lên mức 110,50 nhưng xu hướng tăng cũng không bền. Đồng Đô la Úc chạm mức thấp nhất 11 năm và vẫn ở mức thua lỗ trong phiên Mỹ, trong khi tỷ giá NZD/USD giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Đồng Đô la Canada cũng giảm trong khi đồng Bảng Anh giảm xuống mức đáy trong phạm vi gần đây. Đồng Euro là đồng tiền ổn định hơn nhưng cũng giảm nhẹ khi đóng cửa.
Diễn biến của thị trường ngoại hối và tình trạng lợi suất trái phiếu giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn đang ở trạng thái lo ngại rủi ro. Ngày hôm nay cũng sẽ không thực sự có những tin tốt để hỗ trợ thị trường. Hàn Quốc, Ý, Pháp, Iran, Trung Quốc, Brazil và Mỹ đều báo cáo các ca nhiễm bệnh mới, trong khi đó, doanh số nhà mới bán tích cực hơn kì vọng nhưng cũng không đủ để giúp thị trường phục hồi. Một vài nhà đầu tư đã được khích lệ bởi việc thử nghiệm trên người đối với thuốc chữa bệnh do virus corona gây ra và kì vọng về những bình luận tích cực từ Tổng thống Donald Trump. Ông Trump sẽ có một buổi họp báo về virus và những dòng chia sẻ trên mạng xã hội của ông cho thấy rằng ông không đánh giá cao những ảnh hưởng của virus đến nền kinh tế Mỹ.
Xu hướng tăng của ngày hôm nay rõ ràng chỉ là nhất thời. Cho đến khi dịch bệnh đạt đỉnh và số các quốc gia bị lây nhiễm giảm, rủi ro bán tháo vẫn cao, đặc biệt là khi một quốc gia như Đức đã cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu của một đại dịch. Chúng ta vẫn chưa thấy hết sự ảnh hưởng của virus đến kết quả kinh doanh của các công ty cũng như trong các dữ liệu kinh tế tháng 2. Chúng ta đã có những cảnh báo nhưng cho đến khi dữ liệu được công bố từ các quốc gia trên thế giới, tâm lý e dè rủi ro có thể sẽ tăng lên. Việc hạ dự báo tăng trưởng GDP sẽ không còn xa, và với tất cả các lý do trên, chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/JPY sẽ giảm, tất cả các tỷ giá so với đồng Yên Nhật: Euro, Đô la Úc, Đô la New Zealand.
Trong khi đó, cần phải lưu ý rằng một số quốc gia đã bắt đầu nỗ lực chống lại dịch bệnh bằng các giải pháp kích thích. Hong Kong đã thông báo một chương trình trị giá hơn 4% GDP, hỗ trợ cho người dân một khoản 10.000 Đô la Hong Kong/người (khoảng 1.285USD). Quy trình để thực hiện việc này có thể sẽ bắt đầu vào mùa hè và việc nhận tiền mặt của người dân dự kiến sẽ mất nhiều tháng. Chúng tôi không kì vọng hình thức hỗ trợ này sẽ được áp dụng bởi những quốc gia khác nhưng những giải pháp kích thích khác có thể sẽ được các quốc gia đưa ra.
Một số các báo cáo kinh tế được dự kiến công bố trong 24 giờ tới, gồm cán cân thương mại của New Zealand, chỉ số niềm tin của châu Âu, cán cân tài khoản vãng lai của Canada, cập nhật GDP Q4 của Mỹ, đơn đặt hàng hóa lâu bền và nhà chờ bán của Mỹ. Dữ liệu của New Zealand được dự kiến tăng, điều này giải thích vì sao NZD ổn định hơn đồng AUD trong ngày hôm nay. Chỉ số niềm tin của châu Âu được dự kiến giảm. Số liệu cập nhật GDP của Mỹ là khó dự đoán nhưng đơn đặt hàng hóa lâu bền có thể sẽ giảm. Chúng tôi dự đoán Tổng thống Trump sẽ không đưa ra những bình luận quá quan trọng trong buổi họp báo, các nhà đầu tư cần giữ sự thận trọng cho mình. Cuộc họp báo sẽ bắt đầu vào 6:00PM (giờ New York), sau khi thị trường đóng cửa.