Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB) là một trường hợp ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong quý 2 vừa qua chính vì vậy chúng tôi muốn đào sâu tìm hiểu để xem có cơ hội đầu tư ở một ngân hàng ít người chú ý hay không. Nhưng trước nhất, như thường lệ, hãy nói về ngành ngân hàng.
Các chỉ số quan trọng để đánh giá ngành ngân hàng
Chỉ số hiệu suất
Chỉ số hiệu suất được tính bằng cách lấy chi phí của ngân hàng (không bao gồm chi phí lãi vay) chia cho tổng doanh thu. Chỉ số hiệu suất cho thấy cách một ngân hàng sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu tốt như thế nào. Chỉ số hiệu suất thấp là tín hiệu cho thấy một ngân hàng đang hoạt động tốt. Chỉ số hiệu suất ở mức 50% hoặc thấp hơn được coi là lý tưởng. Nếu chỉ số hiệu suất bắt đầu tăng lên, điều đó cho thấy chi phí của ngân hàng đang tăng so với doanh thu hoặc doanh thu của ngân hàng đang giảm so với chi phí.
Tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản
Tỷ lệ này càng cao, thông thường ở mức 2/3 tổng tài sản thể hiện mức độ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng
Tỷ trọng phân bổ các khoản cho vay
Những khoản vay liên quan đến kinh doanh, có tài sản đảm bảo và nằm trong lĩnh vực sản xuất/dịch vụ/tiện ích sẽ ít rủi ro hơn các khoản vay tín chấp, bất động sản.
Tỷ trọng các khoản đầu tư chứng khoán trên tổng tài sản
Nhà đầu tư cần phải dè chừng những khoản đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng cao bất thường (5-10% hoặc thậm chí cao hơn) trên tổng tài sản của ngân hàng.
Tỷ trọng thu nhập từ lãi và lợi nhuận từ dịch vụ khác
Những ngân hàng có tỷ trọng doanh thu lớn từ dịch vụ (bán chéo, ngoại hối, tư vấn, ngân hàng đầu tư, bảo lãnh L/C), từ 10% tổng lợi nhuận trở lên sẽ ít chịu rủi ro trực tiếp từ lãi suất và có khả năng gia tăng thu nhập tốt hơn
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM)
Chỉ số tương quan giữa lãi thuần tín dụng (thu nhập lãi trừ toàn bộ chi phí liên quan) trên trung bình tài sản cho vay trong kỳ. Tỷ lệ này càng ổn định, ngân hàng càng có tiềm năng tăng trưởng tốt.
NIM hiện tại của các ngân hàng Việt Nam từ 2-4%, những ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ có mức NIM cao hơn.
Tỷ lệ an toàn vốn CAR
- CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản “Có” rủi ro
- Vốn tự có = Vốn cấp 1 + vốn cấp 2
Vốn cấp 1 là thước đo nòng cốt về sức mạnh tài chính của một ngân hàng vì nó bao gồm vốn tự có, bao gồm chủ yếu là lợi nhuận giữ lại và cổ phiếu phổ thông. Nó cũng có thể bao gồm cổ phiếu ưu đãi không tích lũy, không được hoàn trả.
Vốn cấp 2 được chỉ định là vốn bổ sung và bao gồm các khoản mục như dự trữ định giá lại, dự trữ chưa công bố, công cụ lai giữa nợ và vốn, và nợ thứ cấp có kì hạn.
Yêu cầu tỉ lệ an toàn vốn của một ngân hàng được đặt ở mức 8% (ở Việt Nam là 9%). Trong đó, 6% phải được cung cấp bởi vốn cấp 1.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (có thể hiểu là tỷ lệ cho vay trên tiền gửi) cho biết khả năng thanh khoản của ngân hàng; nếu tỷ lệ này quá cao, ngân hàng đối với rủi ro bị rút tiền hàng loạt, tức là ngân hàng có thể không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của lượng lớn khách hàng trong 1 thời điểm. Nếu tỷ lệ này quá thấp, nó có thể cho thấy rằng một ngân hàng đang không tận dụng được tiềm năng thu nhập của mình. Tỷ lệ này được xác định bằng cách so sánh tổng các khoản cho vay của một ngân hàng với tổng số tiền gửi của ngân hàng đó.
Tỷ lệ P/E và P/B
Tỷ lệ P/E được tính bằng giá thị trường của cổ phiếu chia cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), trong khi tỷ lệ P/B được tính bằng giá thị trường chia cho giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu. Tỷ lệ P/E có xu hướng cao hơn đối với các ngân hàng có kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao, cổ tức cao và rủi ro thấp. Tương tự, hệ số P/B thường cao hơn đối với các ngân hàng có kỳ vọng tăng trưởng thu nhập cao, ít rủi ro, cổ tức và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao. Nếu mọi thứ ổn định, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ P/B.
Các nhà phân tích phải xử lý số liệu từ các khoản dự phòng tổn thất khi so sánh các tỷ lệ trong toàn ngành ngân hàng. Các ngân hàng phải có các khoản dự phòng cho nợ khó đòi mà họ dự kiến sẽ xóa sổ (write-off). Tùy thuộc vào việc ngân hàng có thái độ thận trọng hay quyết liệt trong chính sách trích lập dự phòng tổn thất, tỷ lệ P/E và P/B sẽ có sự khác biệt giữa các ngân hàng. Các tổ chức tài chính thận trọng trong ước tính dự phòng tổn thất thường có tỷ lệ P/E và P/B cao hơn, và ngược lại.
Quay trở lại với trường hợp ngân hàng Bản Việt (BVB)
Điểm tích cực:
- Quy mô hoạt động của ngân hàng có sự cải thiện đáng kể so với thời điểm trước. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng ghi nhận một mức tăng trưởng vượt bậc với lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đạt 337 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu cho kết quả tăng trưởng này đến từ (1) tăng trưởng quy mô kinh doanh với định hướng đẩy mạnh cho vay ngắn hạn, thu hẹp cho vay trung và dài hạn, tập trung phát triển các sản phẩm tín dụng có biên lợi nhuận tốt; (2) mức trích lập dự phòng giảm nhiều so với cùng kỳ do năm 2020, BVB cần phải trích lập dự phòng cao cho khoản trái phiếu mua lại từ VAMC; (3) thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng nhờ đẩy mạnh hoạt động thẻ và dịch vụ bảo hiểm.
- Một trong những ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và có kết quả tích cực. Số lượng khách hàng đăng ký mới qua kênh điện tử của BVB tăng gấp 3 lần và tổng thu nhập hoạt động qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 10 lần trong năm qua. Chuyển đổi số thành công giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó giúp CASA (tiền gửi không kỳ hạn – nguồn vốn huy động với chi phí rẻ) của ngân hàng tăng trưởng. Trên thực tế, BVB cũng ghi nhận CASA của phân khúc khách hàng cá nhân tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái – một con số tăng trưởng tốt trên toàn hệ thống.
- Kỳ vọng về sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: Mới đây, BVB đã tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống còn 5%. Trước đó, vào năm 2020, BVB cũng đã có động thái xin ý kiến cổ đông về việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tùy từng thời kỳ theo biến động của thị trường, tuy nhiên, nội dung này không được thực hiện. Điều này dấy lên nghi ngờ về việc BVB đang khóa room ngoại để chuẩn bị đón một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào ngân hàng. Sự tham gia của cổ đông chiến lược có thể giúp BVB nâng cao chất lượng quản trị và vị thế cạnh tranh trên toàn hệ thống, tạo đà tăng trưởng dài hạn cho ngân hàng.
Điểm hạn chế, rủi ro:
- Tỷ lệ nợ xấu của BVB hiện vẫn đang ở mức 2.8%, tương đương với mức cuối năm 2020, cho thấy ngân hàng vẫn chưa thực sự hiệu quả trong công tác quản trị nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BVB hiện đạt 45%, là mức thấp nhất trong toàn hệ thống, cho thấy rủi ro mất vốn của ngân hàng đang khá cao.
- Câu chuyện về sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vẫn còn chưa rõ ràng.
Phân tích chỉ số tài chính
Các chỉ số tài chính của BVB đang cho thấy sự kém tích cực so với trung vị ngành. Trong đó, các chỉ số về hiệu quả hoạt động như ROE, ROA hay NIM đều đang kém khả quan so với toàn hệ thống cho thấy mức sinh lời trong hoạt động của BVB vẫn còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, P/B của BVB đang ở mức thấp hơn trung vị ngành, cho thấy BVB hiện đang được định giá thấp và có thể đầu tư dài hạn với những câu chuyện về tiềm năng tăng trưởng như chúng tôi đã phân tích ở trên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của BVB cũng đang ở mức rất ấn tượng so với thị trường. Tuy BVB đạt được tốc độ tăng trưởng này phần lớn là do quy mô hoạt động còn nhỏ so với toàn ngành, nhưng điều này cũng thể hiện bức tranh hoạt động khả quan của chính nội tại ngân hàng.