Tóm tắt tiêu điểm tuần qua:
- TTCK Mỹ phân hóa, S&P điều chỉnh giảm tuần thứ 2 liên tiếp do áp lực từ cổ phiếu công nghệ và hiệu ứng mùa vụ.
- Lạm phát tháng 8 của Mỹ, Chỉ số giá sản xuất và doanh số bán lẻ đều tăng cao so với dự báo.
- ECB tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp và phát tín hiệu rằng mức lãi suất đã “đủ” thắt chặt.
- Dữ liệu kinh tế tháng 8 của Trung Quốc tích cực hơn mong đợi. PBOC tiếp tục bơm tiền hỗ trợ thanh khoản.
- Xác suất Fed giữ nguyên lãi suất vào tháng 9 ở mức 98%, tỷ lệ dự báo tháng 11 giữ nguyên ở mức 72%.
- Giá dầu thô WTI đã vượt mức 90 USD/thùng cao nhất trong 12 tháng.
Diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua giao dịch khá trái chiều khi tăng tốt tại Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng tín hiệu yếu và phân hóa tại Mỹ và Đông Nam Á.
Tại TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones kết thúc tuần tăng 0.12% mặc dù xuất hiện phiên bán mạnh vào ngày thứ Sáu. Riêng, chỉ số S&P500 giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp trước áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu công nghệ và tâm điểm tuần này là báo cáo lạm phát tháng 8 và các dữ liệu kinh tế ngay trước thêm cuộc họp chính sách FOMC vào 20/9.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm tác động nhiều nhất đến diễn biến thị trường trong tuần này lần lượt là Apple (NASDAQ:AAPL) (-1.87%) trước lo ngại lệnh cấm từ Trung Quốc, cổ phiếu ORCL (-8.73%) và Adobe (-7%) giảm điểm do KQKD gây thất vọng.
Mặc dù tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật đang chi phối S&P500 tuy nhiên xu hướng tăng vẫn đang được duy trì. Vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số S&P500 hiện tại ở mức 4.350 – 4.400 điểm.
Về dữ liệu kinh tế:
Lạm phát tháng 8 tại Mỹ tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp lên 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 3,2% trong tháng 7, cao hơn dự báo của thị trường là 3,6%. Giá dầu đã tăng trong hai tháng trước đó, cùng với những tác động cơ bản từ năm ngoái, đã đẩy lạm phát lên cao hơn. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát lõi (Core CPI), không bao gồm lương thực và năng lượng, đã chậm lại trong tháng thứ năm xuống còn 4,3%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất tại Mỹ tăng 0,7% trong tháng 8 năm 2023, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2022 và vượt kỳ vọng của thị trường về mức tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát giá sản xuất đạt mức cao nhất trong 4 tháng với mức tăng trở lại là là 1,6%. Giá hàng hóa tăng 2% do chi phí năng lượng tăng 10,5%. Trong khi đó, giá dịch vụ tăng 0,2%, chủ yếu do chi phí vận chuyển, kho bãi tăng (1,4%).
Tại Châu Âu, ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 14/9 và phát tín hiệu mức tăng lãi suất được chứng minh là “đủ” để đưa lạm phát về mục tiêu một cách kịp thời. Lãi suất tái cấp vốn chính đạt mức cao nhất trong 22 năm là 4,5% và lãi suất cơ sở tiền gửi lập kỷ lục mới ở mức 4%.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, mặc dù nó đang có xu hướng giảm. ECB cũng đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng GDP, hiện đang dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2023, 1,0% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.
Tại Châu Á, kinh tế Trung Quốc trong tháng 8 đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực hơn sau khi lạm phát đã tăng trở lại trong tháng gần nhất giúp kinh tế nước này thoát nguy cơ giảm phát.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo 3,9% và tăng nhanh so với mức tăng 3,7% trong tháng 7. Đây là mức tăng sản lượng công nghiệp mạnh nhất kể từ tháng 4, sau các biện pháp hỗ trợ gần đây từ Bắc Kinh nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 4,6% so với cùng kỳ vào tháng 8 năm 2023, nhanh hơn mức tăng trưởng 2,5% của tháng trước và vượt ước tính của thị trường là 3,0%. Đây là mức tăng tốc độ thương mại lớn nhất kể từ tháng 5, được thúc đẩy nhờ doanh số bán quần áo, giày dép, mũ và dệt may, đồ nội thất, thiết bị liên lạc, mỹ phẩm vàng, bạc và trang sức…
Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ DTBB, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng phản ánh cam kết của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì thanh khoản dồi dào và hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là lần cắt giảm RRR thứ hai trong năm nay, giảm tỷ lệ này đối với các ngân hàng lớn xuống 10,5% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng nhỏ xuống 8,5%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm tổng cộng 591 tỷ NDT thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm cho một số tổ chức tài chính và giữ nguyên lãi suất ở mức 2,50% vào thứ Sáu trong khi luân chuyển các khoản vay chính sách MLF cho tháng thứ 10 liên tiếp. Với khoản vay MLF trị giá 400 tỷ CNY sắp hết hạn trong tháng này, hoạt động này đã dẫn đến việc bơm ròng 191 tỷ NDT vào quỹ mới vào hệ thống ngân hàng. Trung Quốc đã hạ lãi suất chính sách trung hạn hai lần kể từ tháng 6 để kích thích nhu cầu tín dụng và giúp phục hồi kinh tế đang chững lại.
Tâm điểm thị trường tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ FOMC vào thứ Tư (20/9) tới và dự báo thị trường cho thấy lãi suất sẽ không thay đổi ở mức hiện tại là 5,25% -5,5% với xác suất lên đến 98%.
Các nhà đầu tư cũng đang háo hức mong đợi công bố các dự báo mới nhất của FOMC cũng như đánh giá của Fed về lạm phát có tín hiệu tăng trong tháng 8. Tuy nhiên, tín hiệu lạm phát lõi đang tiếp tục giảm tốc độ tăng lương đang hạ nhiệt nhanh chóng và hoạt động tuyển dụng chậm lại sẽ thuyết phục các quan chức Fed rang lãi suất đã đủ thắt chặt. Các quan chức Fed cũng không muốn dập tắt triển vọng “hạ cánh mềm” bằng cách tăng lãi suất quá nhiều.
Quyết định chính sách tiền tệ là tâm điểm trong tuần tới gồm:
- FED: FOMC Meeting kỳ vọng giữ nguyên lãi suất 5.25%-5.5%.
- BOE: NHTW Anh dự kiến tăng lãi suất lần thứ 15 liên tiếp thêm 25 điểm cơ bản lên 5.5% cao nhất từ 2008.
- RBA: Tại Úc, biên bản cuộc họp mới nhất của RBA sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc giữ lãi suất lần thứ ba liên tiếp, đây là cuộc họp cuối cùng của Thống đốc Lowe.
- BOJ: Quyết định về lãi suất cũng sẽ là tâm điểm ở Nhật Bản, khi Thống đốc BoJ Ueda cho rằng có thể BOJ sẽ sớm chấm dứng chính sách lãi suất âm.
Các dữ liệu kinh tế:
- Khảo sát PMI toàn cầu của S&P về PMI của Mỹ, Các chỉ số liên quan đến nhà ở, bao gồm giấy phép xây dựng, khởi công xây dựng nhà ở, doanh số bán nhà hiện có và chỉ số thị trường nhà ở NAHB.
- Dữ liệu PMI sơ bộ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.