Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đã bày tỏ quan ngại vào tuần trước về các vấn đề: từ việc chấp nhận rủi ro quá cao trong môi trường lãi suất thấp cho tới các yêu cầu cao ngất ngưởng để cấp vốn cho chính phủ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng gia tăng. Nhưng Richard Clarida – Phó chủ tịch của FED – lại tỏ ra lạc quan một cách đáng ngạc nhiên về nền kinh tế.
Trong một cuộc cuộc họp thành viên trực tuyến của Viện Tài chính Quốc tế, ông Clarida nói:
“Cuộc suy thoái này cho đến nay là cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử thời kỳ hậu chiến, nhưng nó cũng có thể được ghi vào sách kỷ lục thế giới với tư cách là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Việc ông Clarida lạc quan – không giống như Chủ tịch FED Jerome Powell và hai trong số ba thành viên khác của hội đồng thống đốc – khiến tuyên bố này có sức ảnh hưởng đáng kể.
Ông Clarida tiếp tục: “Dữ liệu vĩ mô nhận được kể từ tháng 5 đã tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, và tăng trưởng GDP trong quý III được nhiều nhà dự báo ước tính sẽ tăng trở lại với tốc độ có lẽ từ 25 đến 30% hàng năm”.
Sau khi tăng trưởng hàng năm giảm mạnh 32% trong quý II, việc này sẽ thể hiện sự phục hồi kinh tế trông giống chữ V.
Theo ông Clarida, nền kinh tế Mỹ đã thách thức những người vẫn đang thận trọng khi người tiêu dùng Mỹ đã cho thấy những động thái khôn ngoan và đáp lại hoạt động lãi suất thấp, tín dụng cao cùng các khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Ông nói: “Họ đã xây nhà, mua ô tô và đặt hàng thiết bị và phần mềm”.
Clarida thừa nhận rằng chi tiêu cho ngành dịch vụ đang đi lùi, nhưng ông vẫn nhận thấy một vài điểm sáng cho hy vọng. Trong cuộc thảo luận sau đó, Clarida cho biết “nhu cầu bị dồn nén” đối với ngành dịch vụ sẽ thúc đẩy mạnh nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn. Hơn nữa, các hộ gia đình đã tích lũy được các khoản tiết kiệm đáng kể sẽ tạo ra “luồng gió” cho nền kinh tế trong tương lai.
Clarida cũng thừa nhận rằng độ khả quan của dự báo phụ thuộc vào việc đại dịch Coronavirus được kiểm soát như thế nào và có thể sẽ mất thêm một năm nữa để nền kinh tế có thể trở lại mức trước đại dịch. Ông nói, cả FED và chính phủ sẽ phải cung cấp nhiều viện trợ hơn nữa.
Mary Daly – chủ tịch của FED tại San Francisco – cũng tỏ ra lạc quan trong một phỏng vấn qua điện thoại với các phóng viên, bà nói rằng lãi suất gần bằng 0 là chính sách đúng đắn cho nền kinh tế hiện nay. Bà cho biết thêm, FED có thể cần phải hành động nhiều hơn và các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi cẩn thận các dữ liệu sắp tới. Bà giải thích:
“Hiện tại chúng tôi nhận thấy nền kinh tế và các chính sách đang ở trạng thái tốt hơn so với thời điểm đầu năm. Tôi thấy chúng tôi cũng có vị thế tốt để vượt qua cơn bão này, và vẫn còn phải chờ xem liệu có cần nhiều hành động hơn nữa hay không”.
Tất cả 17 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đều tham gia các cuộc họp chính sách được tổ chức sáu tuần một lần hoặc hơn sáu tuần, nhưng chỉ 10 người trong số họ được bỏ phiếu – năm thành viên của hội đồng quản trị bao gồm người đứng đầu FED tại New York và chủ tịch của bốn ngân hàng khu vực khác luân phiên vào các vị trí bỏ phiếu hai hoặc ba năm một lần. Daly – người đã đảm nhận vị trí hiện tại vào tháng 10 năm 2018, sẽ đầu tiên trở thành thành viên được bỏ phiếu trong năm 2021.
Giám đốc FED tại Boston – Eric Rosengren, tiếp tục các nhận xét của ông từ tuần trước về mức độ dễ bị “tổn thương” của hệ thống tài chính sau hàng chục năm lãi suất thấp bằng việc phát biểu rằng Hoa Kỳ cần các quy định chặt chẽ hơn để hạn chế đòn bẩy và chấp nhận rủi ro. Ông nói với Financial Times:
“Nếu bạn muốn tuân theo một chính sách tiền tệ áp dụng lãi suất thấp trong thời gian dài, bạn cần có cơ quan giám sát tài chính mạnh mẽ để có thể hạn chế hoạt động chấp nhận rủi ro quá mức xảy ra cùng thời điểm”.
Randal Quarles – Phó chủ tịch FED phụ trách giám sát – lo lắng rằng ngân hàng trung ương có thể phải tiếp tục hoạt động mua tài sản trong thời gian dài vì Bộ Tài chính Mỹ đang phát hành quá nhiều nợ mới có thể áp đảo thị trường tư nhân. Nợ quốc gia đã tăng lên hơn 27 nghìn tỷ USD từ mức 23 nghìn tỷ USD vào đầu năm. Quarles nói:
“Có thể tình hình vĩ mô đơn giản sẽ là thị trường trái phiếu kho bạc đã lớn hơn rất nhiều so với cách đây vài năm đến mức khối lượng có thể đã vượt xa khả năng hỗ trợ cho các vấn đề tại kho bạc của cơ sở hạ tầng trên thị trường tư nhân”.