Giá dầu đang cho thấy diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường thiếu vắng các thông tin mới về cung cầu. Dự báo giá có thể sẽ dao động trong phiên độ hẹp, một mặt chịu sức ép từ dữ liệu sản xuất tiêu cực của Trung Quốc, mặt khác, có thể được hỗ trợ nếu dữ liệu lạm phát của Mỹ tối nay cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 6 của quốc gia này chỉ đạt 49 điểm, bằng với con số dự đoán của giới phân tích. Mặc dù tăng nhẹ so với mức 48,8 điểm vào tháng trước, nhưng ngưỡng dưới 50 vẫn cho thấy các nhà máy sản xuất thu hẹp hoạt động, phản ánh tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà giảm có thể sẽ bị hạn chế bởi lo ngại về nguồn cung sụt giảm trong tháng 7, khi Saudi Arabia thực hiện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương với 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Các dự báo từ loạt tổ chức lớn như Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho thấy lăng kính thị trường dầu thô sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt trong quý III.
Ngoài ra, giá dầu có thể sẽ biến động mạnh hơn trong phiên tối trước loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5, dữ liệu đo lường lạm phát yêu thích nhất của Fed. Nếu PCE tăng ít hơn dự báo ở mức 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng mức đỉnh lãi suất có thể thấp hơn dự kiến.