Sắc đỏ tiếp tục duy trì ở thị trường dầu sáng nay, bất chấp hàng loạt các tin tức tích cực.
Trung Quốc đã công bố các số liệu kinh tế với chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất đều tăng tích cực hơn mức dự báo, và vượt mức 50 điểm, kể từ tháng 9/2022. Đây là một tín hiệu khởi sắc đối với nền kinh tế thứ hai toàn cầu, khi mà việc nới lỏng các hạn chế chống dịch đã giúp cho các ngành sản xuất, xây dựng, và dịch vụ hồi phục.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên sau một năm. Tăng trưởng GDP thế giới có thể sẽ tăng 2.9% vào năm 2023, cao hơn 0.2% so với dự báo vào tháng 10. Mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3.4% vào năm 2022, nhưng IMF dự kiến mức tăng trưởng sẽ chạm đáy trong năm nay, tăng tốc lên 3.1% vào năm 2024.
Mặc dù vậy, diễn biến giảm của giá dầu trong sáng nay cho thấy những lo ngại về việc mất cân bằng cung cầu đang giảm bớt, bởi các nhà giao dịch không kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng mạnh hơn nguồn cung. Việc Saudi Arabia phải giảm giá bán dầu cho khu vực châu Á để cạnh tranh cũng là một chỉ báo cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu đang chưa hồi phục như kỳ vọng.
Bên cạnh các số liệu kinh tế, tâm điểm thị trường trong tuần này hướng về nội dung cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp, nhưng đồng USD vẫn đang gia tăng và gây sức ép lên các loại hàng hoá, trong đó có dầu.