KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ
Chúng tôi khuyến nghị MUA tích lũy, giá mục tiêu 68,900 VNĐ/cp đối với cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco bởi kỳ vọng hồi phục hoạt động kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên giả định đường bay quốc tế dần được nối lại với số lượng hạn chế bắt đầu từ Q4/2020.
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
Triển vọng lượng khách qua cảng hàng không hồi phục mạnh sau dịch. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức trong ngắn hạn nhưng chúng tôi kì vọng hoạt động du lịch, vận tải hàng không sẽ hồi phục mạnh trong thời gian tới sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu giúp mở cửa trở lại các đường bay quốc tế nhờ: (1) việc đẩy nhanh triển khai tiêm chủng vaccine tại nhiều quốc gia; (2) Cục Hàng không đề xuất lộ trình ba giai đoạn mở lại đường bay quốc tế về Việt Nam và nghiên cứu tính khả thi của “hộ chiếu vaccine”; 3) Các chính sách kích cầu du lịch sau giai đoạn dịch bệnh cùng chiến lược giá vé thấp với nhiều ưu đãi của các công ty hàng không để thu hút khách hàng.
Mạng lưới sân bay cả nước dần mở rộng giúp gia tăng tiềm năng phát triển của cả ngành trong dài hạn. Số lượng sân bay tăng, giao thương giữa các nước ngày càng rộng mở cùng nhu cầu đi lại thông qua đường hàng không cao sẽ là động lực phát triển cho AST trong dài hạn. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách giai đoạn 2021-2030 đạt 7.5 – 8.5%/năm và giai đoạn 2031-2050 là 4.2-5%/năm.
Hoạt động kinh doanh mở rộng, dư địa gia tăng thị phần sau giai đoạn dịch bệnh. Với việc có mặt tại 8 sân bay trải dài cả nước, chiếm đến 90% tổng lượng khách hàng không Việt Nam và liên tục mở rộng cửa hàng ngay cả trong thời gian dịch bệnh diễn ra tạo nền tảng vững chắc cho AST hồi phục kinh doanh và tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đánh giá cao khả năng kiểm soát tốt dòng tiền và hoạt động của AST trong giai đoạn đầy thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
RỦI RO
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến kế hoạch mở cửa các chuyến bay quốc tế bị trì hoãn và ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại nội địa.
Giá mục tiêu
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
AST vẫn ghi nhận một số dấu hiệu tích cực trong một năm đầy thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
AST ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận -51.5 tỷ đồng (so với mức lợi nhuận 212.4 tỷ của năm 2019) và doanh thu đạt 359.5 tỷ đồng (-69.5% YoY). Kết quả kinh doanh tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 bùng phát tác động mạnh đến nền kinh tế, đặc biệt đối với ngành du lịch, hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao khả năng kiểm soát dòng tiền và hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, mặc dù phải ngưng hoạt động tại 1 số điểm kinh doanh do tác động của dịch, AST vẫn khai trương một số điểm kinh doanh mới nhiều tiềm năng để chuẩn bị cho sự phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát.
Q1/2021, lợi nhuận đạt -31.8 tỷ đồng, giảm so với mức 16.1 tỷ đồng cùng kỳ và doanh thu đạt 58.3 tỷ đồng (-70.3% YoY). Kết quả kinh doanh tiêu cực do chịu ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 3, nặng nề hơn so với cùng kỳ khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp giảm mạnh do cắt giảm nhân viên và đóng cửa nhiều điểm kinh doanh, đặc biệt tại các nhà ga quốc tê. Ban lãnh đạo cho biết, tại các quầy quốc tế, chi phí mặt bằng được giảm còn 10% tại các quầy đóng và 15% tại quầy mở.
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
Taseco Airs tiền thân là chi nhánh của Taseco Group, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không tại sân bay: kinh doanh hàng bách hóa lưu niệm, hàng miễn thuế, VIP Lounge, dịch vụ quảng cáo thương mại, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn và cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không.
1. Triển vọng lượng khách hàng không hồi phục mạnh sau dịch
Dù còn nhiều khó khăn và thách thức trong ngắn hạn nhưng chúng tôi kì vọng hoạt động du lịch, vận tải hàng không sẽ hồi phục mạnh trong thời gian tới sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu giúp mở cửa trở lại các đường bay quốc tế nhờ:
— (1) Đẩy nhanh triển khai tiêm chủng vaccine tại nhiều quốc gia. Tính đến 27/06/2021 đã có hơn 2.92 tỷ liều vaccine được tiêm trên thế giới, tương ứng 38 mũi trên 100 người. Trong đó, Mỹ và châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất (biểu đồ 5). Theo nghiên cứu của CNN, 70% dân số Hoa Kỳ có thể được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 7 và 85% vào giữa tháng 9, tỷ lệ tiêm cần để đạt miễn nhiễm cộng đồng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đã đàm phán mua được khoảng 150 triệu- 170 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho năm 2021, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 70-75% dân số.
— (2) Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của “hộ chiếu vaccine”, tạo tiền đề để Việt Nam có thể sớm đón khách quốc tế quay trở lại. Cục Hàng không mới đây đã đề xuất triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn, theo đó từ tháng 7 sẽ triển khai đường bay với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và từ tháng 9 dự kiến khai thác với các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố. Mặc dù đánh giá thấp khả năng giai đoạn 1 được triển khai từ tháng 7 , tuy nhiên chúng tôi cho rằng các đường bay quốc tế sẽ dần được nối lại có giới hạn từ Q4/2021.
— (3) Các chính sách kích cầu du lịch sau giai đoạn dịch bệnh cùng chiến lược giá vé thấp với nhiều ưu đãi của các công ty hàng không để thu hút khách hàng sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đi lại theo đường hàng không.
2. Mạng lưới sân bay cả nước dần mở rộng giúp gia tăng tiềm năng phát triển của cả ngành trong dài hạn
Công suất các sân bay gia tăng, giao thương giữa các nước ngày càng rộng mở cùng nhu cầu đi lại thông qua đường hàng không cao sẽ là động lực phát triển cho AST trong dài hạn.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, dự báo tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách giai đoạn 2021-2030 đạt 7.5 – 8.5%/năm và giai đoạn 2031-2050 là 4.2-5%/năm, do đó công suất của các cảng hàng không sẽ được đầu tư mở rộng để đáp ứng như cầu ngày càng cao. Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, hầu hết các sân bay lớn đều phải hoạt động vượt công suất. Trong dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050”, thời kỳ 2021 -2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 13 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa, với tổng công suất thiết kế khoảng 276.5 triệu hành khách/ năm. Tầm nhìn đến năm 2050 có 30 cảng hàng không với tổng công suất thiết kế khoảng 645.5 triệu hành khách/ năm.
Trong đó, Sân bay quốc tế Long Thành Giai đoạn 1 (công suất 25 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025), nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất (công suất 20 triệu hành khách/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) được khởi công trong năm 2021. Ngoài những dự án lớn trên, nhiều sân bay cũng dự kiến nâng công suất như dự án mở rộng Nhà ga T2 tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Sân bay quốc tế Đà Nẵng và Sân bay quốc tế Cam Ranh. Là một doanh nghiệp lớn trong ngành cùng mối quan hệ bền chặt với ACV (HN:ACV), chúng tôi tin rằng AST sẽ tiếp tục được ưu tiên thuê tại các sân bay mới trong thời gian tới.
Xem thêm tại đây