Tại Hội nghị lần thứ 26, Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) diễn ra tại Thành phố. Glasgow, (Vương quốc Anh) vào năm 2021, Việt Nam đã tuyên bố đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 28 diễn ra tại Dubai vào tháng 12/2023.
Tại COP28, Việt Nam và Đan Mạch đều đặt ra các mục tiêu phát thải đầy tham vọng. Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã gửi đến cộng đồng quốc tế một tín hiệu rõ ràng về định hướng và quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế carbon thấp và bền vững. Đan Mạch, một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển xanh, đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào năm 2030, 100% vào năm 2045 và 110% vào năm 2050, tức là trở thành quốc gia phát thải ròng âm vào năm 2050.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có một ngành công nghiệp phát triển ngày càng tốn nhiều năng lượng và theo định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là đối tác quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu khi là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á cũng như đang phải đối mặt với nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài khi thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Vậy lộ trình hướng đến Net zero của Việt Nam là như thế nào và con đường phát triển của chúng ta sẽ ra sao, hãy cùng theo dõi phân tích của chúng tôi ngay sau đây.