I. Sự lựa chọn của dòng tiền
Thị trường tài chính giao dịch tuần đầu tiên của tháng 11 thật sự sôi động. Tâm điểm của tuần này phải kể đến cuộc họp chính sách FOMC vào ngày 02,03/11 vừa rồi. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô trái ngược nhau. Theo đó, Fed thông báo sẽ bắt đầu giảm chương trình mua lại tài sản trong tháng 11, loại bỏ từ từ các chính sách tiền tệ nới lỏng vốn được thiết lập từ tháng 03/2020 để giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch. Cụ thể, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng hiện tại, như thị trường dự báo. Ngược lại, Fed cam kết vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành gần bằng 0 để tiếp tục hỗ trợ thị trường mặc dù lãi suất có dấu hiệu sẽ tiếp tục kéo dài hơn dự kiến. Điều này sẽ là thông tin tích cực đối với thị trường. Trước thông tin này, giá vàng ghi nhận tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất thấp đã làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy nhu cầu với kim loại quý này như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, số liệu việc làm vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày hôm qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 531,000 việc làm trong tháng 10, vượt hơn mức 450,000 việc làm mà các nhà kinh tế học của tạp chi Wall Street Journal dự báo. Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mốc 4.6%, vốn cũng tiếp tục vượt qua dự báo của các chuyên gia. Qua đó có thể thấy rằng, nền kinh tế hồi phục khá tốt và việc số liệu việc làm tích cực là một trong những dấu hiệu tích cực đối với Mỹ. Fed đang đứng trước một bài toán nan giải trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch đã khiến lạm phát tăng cao, tuy nhiên việc tăng lãi suất sớm nhằm kiềm chế lạm phát có thể sẽ khiến tốc độ hồi phục chậm lại.
Trước các thông tin tích cực từ Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cũng như việc nền kinh tế có dấu hiệu tích cực khi tạo ra nhiều việc làm hơn dự báo, chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng và lập đỉnh mới. Theo đó chỉ số S&P500, Dow Jones và Nasdag lần lượt ghi nhận tăng 0.4%, 0.6% và 0.2% để ghi nhận mức đỉnh mới cao nhất lịch sử, thêm vào đó đây cũng là tuần có các chỉ số có mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 6. Nhìn vào Bản đồ dòng vốn có thể thấy được rằng chỉ số Dow Jones ghi nhận tăng trưởn mạnh mẽ vượt lên mạnh từ vùng suy yếu lên vùng dẫn dắt, điều này cho thấy trong ngắn hạn chỉ số Dow Jones vẫn có thể sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng. Việc các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 82% trong số các công ty đã công bố kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng vượt mức dự báo của các chuyên viên phân tích là một trong những động lực cho thị trường chứng khoán.
Ngược lại, Lợi suất trái phiếu 10 năm Hoa Kỳ ghi nhận giảm xuống mốc 1.451%, mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây trước tuyên bố của Fed.
Nguồn: Finashark
Xét về điểm dòng tiền, cổ phiếu và hàng hóa vẫn là 2 kênh tài sản có điểm dòng tiền cao nhất. Đối với cổ phiếu, các thông tin tích cực đến từ việc giữ nguyên chính sách nới lỏng tới việc lợi nhuận các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ là yếu tố hỗ trợ cho loại tài sản này. Đối với kênh hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ sau dịch cũng như tắc nghẽn chuỗi cũng ứng là động lực tăng giá cho các loại hàng hóa. Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng các yếu tố này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Xem thêm nhận định Thị trường Việt Nam tại Finashark.vn