Các nhà đầu tư chừng như đã đạt được những gì họ mong đợi sau cuộc gặp tại Nhật Bản giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý quay trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết các mâu thuẫn thương mại đang trên đà gia tăng vốn có thể làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu.
Trong những bước chạy đà chuẩn bị cho cuộc gặp tại G20, các nhà đầu tư đã hy vọng nhiều vào một kết quả khả quan và đã được chứng thực từ xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán vài ngày gần đây. Chỉ số S&P 500 tăng 6.9% trong tháng Sáu, là mức tăng trưởng hàng tháng tốt nhất từ đầu năm, với những lạc quan đặt vào việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tìm ra phương hướng giải quyết bất đồng và Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Một hiệp định “đình chiến”, tuy vậy, không đảm bảo những kịch bản không chắc chắn về thương mại sẽ sớm được giải quyết, mặc dù nó vẫn gia tăng hy vọng rằng hai cường quốc sẽ nỗ lực để tránh các kết quả tồi tệ nhất. Với cái nhìn toàn cảnh như vậy, chúng ta sẽ chú ý đến ba công ty lớn mà hoạt động kinh doanh có thể ảnh hưởng nhiều bởi những tín hiệu từ Trung Quốc. Mỗi cổ phiếu sẽ có một số lực đẩy trong tuần tới đây.
1. Nvidia
Nhà sản xuất chip Nvidia (NASDAQ:NVDA) có thể sẽ dẫn đầu một đợt tăng được trợ lực bởi sự lạc quan từ giới đầu tư trong lĩnh vực chất bán dẫn, vốn không mấy chắc chắn, bởi các nhà đầu tư trước đó đã lảng tránh loại cổ phiếu này vì viễn cảnh không mấy chắc chắn cả về cung và cầu.
Trung Quốc không chỉ là thị trường trọng điểm mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nvidia. Hơn một nửa doanh thu của hãng này đến từ nền kinh tế lớn nhất châu Á. Mức giá của cổ phiếu bán dẫn giảm đến 17% trong tháng Năm, trở thành mức giảm sâu nhất qua một tháng kể từ tháng 11/2008, nhưng sau đó lại tăng gần 13% trong tháng Sáu, mức tốt nhất kể từ tháng 10/2011.
“Các nhà cung cấp chất bán dẫn có doanh thu từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối cao”, Quinn Bolton, nhà phân tích cấp cao thị trường bán dẫn của Needham, phát biểu trong một bài phỏng vấn hồi tháng Năm. “Việc liên quan nhiều đến thị trường Trung Quốc khiến các công ty ngành này gặp nhiều rủi ro hơn nếu căng thẳng thương mại Trung - Mỹ gia tăng khi so sánh với các ngành công nghệ khác”.
Kể từ khi đạt mốc kỷ lục 292,76 USD vào tháng Mười, cổ phiếu Nvidia đã giảm đến 44% giá trị sau khi nhu cầu mua vào suy giảm và nhu cầu bán ra tăng lên. Thứ Sáu gần nhất, giá cổ phiếu công ty này ở thời điểm đóng phiên là 164,23 USD, tăng nhẹ 0,61%.
2. Apple
Một cổ phiếu công nghệ khác đã phải chịu áp lực kể từ khi căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang là Apple (NASDAQ:AAPL). Trong một bức thư gửi chính phủ Mỹ trong tháng Sáu, Apple nhấn mạnh những rủi ro lớn với hoạt động kinh doanh của hãng này nếu ông Trump áp thuế 25% lên nhóm hàng hóa mới nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất iPhone ước tính có khoảng hai triệu nhân công trong chuỗi cung ứng của mình, cộng với chừng ấy số nhân sự công nghệ đang phát triển các ứng dụng của Apple. Hãng này thiết kế và bán ra hầu hết các sản phẩm của mình tại Mỹ nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi đã lắp ráp ở thị trường này.
Thỏa thuận “đình chiến” mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng hy vọng rằng một trong những cổ phiếu công nghệ đình đám nhất của Mỹ sẽ có thể tránh được sự đình hoãn trong chuỗi cung ứng khổng lồ ở Trung Quốc mà không phải chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác.
Cổ phiếu Apple đóng phiên ở mức 197,92 USD hôm thứ Sáu, giảm khoảng 1%. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã tăng hơn 10% trong vòng một tháng qua.
3. Nike
Hãng sản xuất đồ thể thao Nike (NYSE:NKE), mặc dù vẫn là một phần của phân khúc sản xuất kiểu truyền thống, vẫn có được mức tăng tương đối mạnh trong quãng thời gian chờ đợi một giải pháp cho các tranh chấp thương mại. Thị trường Trung Quốc thì ngày càng quan trọng hơn cho Nike.
Trong báo cáo tài chính gần nhất, công bố hôm thứ Sáu mới đây, số liệu cho thấy doanh thu từ thị trường Trung Quốc tăng 22%, đây cũng là quý thứ 20 liên tiếp mà Nike đạt mức doanh thu tăng trưởng với hai con số. Trong khi đó, khoảng 26% lượng giày dép và quần áo của Nike được sản xuất tại Trung Quốc vào năm ngoái.
Cho đến hiện tại, Nike vẫn chưa phải hứng chịu những hậu quả lớn từ thương chiến Trung - Mỹ. Nike vẫn tiếp tục sản xuất và tìm cách mở rộng hơn nữa các hoạt động này tại Trung Quốc, theo lời một người đại diện của hãng.
Nike thông báo lợi nhuận 0,62 USD/cổ phiếu trong quý này, thấp hơn mức kỳ vọng là 0,66 USD, do chi phí tăng cao và thuế. Cổ phiếu của hãng - có mức giá đóng phiên 83,86 hôm thứ Sáu - tăng khoảng 9% kể từ 31/05/2019 khi giá ở mức 77 USD.