Vietstock - Xung đột Nga - Ukraine định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu
EU đang cân nhắc lệnh cấm vận dầu Nga và siết chặt những lệnh trừng phạt khác. Thế giới có thể trải qua cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo CNN, cuộc chiến ở Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu. Đến nay, vẫn chưa rõ xung đột sẽ kéo dài bao lâu và tác động thế nào đến thị trường năng lượng thế giới.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới có thể trải qua cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ nếu Moscow cắt giảm sản lượng.
"Do những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế và xã hội", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu thế giới lên cao. Ảnh: CNBC. |
Nguy cơ EU cấm vận đầu Nga
Giá dầu bật tăng vào đầu tuần sau thông tin Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc tiếp bước Mỹ cấm vận dầu Nga.
"Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc đàm phán của NATO diễn ra cuối tuần này. Những cuộc thảo luận nhằm siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và cân nhắc về lệnh cấm vận dầu thô Nga của châu Âu", bà Susannah Streeter - nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại Hargreaves - bình luận.
Ban đầu, các lệnh trừng phạt của phương Tây không nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi xướng với lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga.
Các hành động gây hấn liên tục của Moscow có thể buộc EU phải vào cuộc. Lệnh cấm sẽ tạo tác động lớn bởi EU phụ thuộc vào nguồn cung dầu Nga.
Tôi cho rằng việc thảo luận về lĩnh vực năng lượng và dầu Nga là khó tránh khỏi. Bởi đó là nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis |
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm khác ra toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng.
"Tôi cho rằng việc thảo luận về lĩnh vực năng lượng và dầu Nga là khó tránh khỏi. Bởi đó là nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga", Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis khẳng định.
Ireland cũng phát tín hiệu ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, ngay cả khi giá khí đốt tự nhiên đang tăng cao và lệnh cấm vận có thể ảnh hưởng tới nguồn cung.
"Nhìn vào việc Ukraine đã bị tàn phá như thế nào, theo quan điểm của tôi, rất khó để chúng ta không nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, nhất là dầu và than đá", Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney tuyên bố.
Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Biden sẽ đến châu Âu để tham dự các cuộc họp với giới chức EU, NATO và G7.
Tìm cách giảm phụ thuộc
Trên thực tế, trong năm nay, EU đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả năng lượng và kéo dài tuổi thọ của những nhà máy điện hạt nhân và than.
Vào cuối tuần, Đức - khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga - đã đạt được tiến triển trong thỏa thuận mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar.
Hôm 20/3, QatarEnergy cho biết trong cuộc họp với các quan chức Qatar, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã xác nhận rằng Berlin đang đẩy nhanh tiến độ phát triển 2 trạm tiếp nhận LNG.
Mới đây, IEA cảnh báo các chính phủ trên khắp thế giới cần đưa ra những động thái quyết liệt nhằm cắt giảm nhu cầu dầu. Bởi cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
IEA đã nêu chi tiết kế hoạch khẩn cấp gồm 10 khuyến nghị, bao gồm giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc ít nhất 9,6 km/h, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể và nói không với ôtô trong thành phố vào ngày Chủ nhật.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga. Ảnh: Reuters. |
Các khuyến nghị dành cho những nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và EU. Nếu làm theo kế hoạch này, nhu cầu toàn cầu có thể sụt giảm, bù đắp phần nào lỗ hổng nguồn cung dầu Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các biện pháp khác bao gồm thúc đẩy dùng ôtô chia sẻ, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì đi máy bay, tránh đi công tác bằng máy bay nếu có thể, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ và đạp xe.
Theo IEA, nếu thực hiện các biện pháp kể trên, nhu cầu dầu thế giới có thể giảm 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Con số đó tương đương lượng dầu được tiêu thụ bởi tất cả ôtô tại Trung Quốc.
Tác động có thể rõ rệt hơn nếu những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc cũng áp dụng một phần hoặc toàn bộ kế hoạch nói trên.
Tuy nhiên, kế hoạch giảm nhu cầu dầu khẩn cấp sẽ cản trở đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, vốn vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là với giao thông vận tải.
Thảo Phương