Vietstock - Xuất hiện làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trên toàn cầu
Ngày càng nhiều công ty trên thế giới không có khả năng trả nợ hoặc trả lãi vay vì đại dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy cho tới nay, 223 công ty không thể trả nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp mà họ phát hành ra, gấp đôi con số của năm 2019.
Số vụ vỡ nợ vẫn tăng mạnh mặc dù lãi suất thấp kỷ lục. Điều này là do số lượng công ty nặng nợ tại Mỹ và châu Âu đã gia tăng trong những năm trước đó. Nếu nhà đầu tư trái phiếu cảm thấy lo ngại về những công ty này và lợi suất trên thị trường trái phiếu gia tăng, thì nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều vụ phá sản khác nối tiếp sau đó.
Làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc
Số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lan rộng ra khắp Trung Quốc. Kể từ tháng 11/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bị trì hoãn trả nợ hoặc bị hủy lên tới hơn 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 30.5 tỷ USD).
Doanh nghiệp Nhà nước Shanxi International Energy đã lên kế hoạch phát hành lượng trái phiếu trái phiếu trị giá 3.5 tỷ Nhân dân tệ, nhưng nhà đầu tư chỉ mua vào 500 triệu Nhân dân tệ. Dạo gần đây, Trung Quốc xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước, gần đây nhất là vụ việc của Tsinghua Unigroup.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng đang có xu hướng đi lên. Với các trái phiếu kỳ hạn 1 năm do các công ty Trung Quốc có bậc tín nhiệm AAA (HM:AAA) phát hành từ tháng 11/2020, lãi suất trung bình ở mức 4.07%, tăng so với tháng trước đó. Trong giai đoạn tháng 7-8/2020, lãi suất ở mức 3.47% và tháng 9-10 là 3.74%.
Số vụ vỡ nợ tại Mỹ tăng 80% so với cùng kỳ, châu Âu tăng gấp 2.8 lần
Dù vậy, nỗi lo sợ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ được gói gọn trong một vài quốc gia.
Chênh lệch lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ đã giảm xuống 1.6 điểm phần trăm – gần như ngang với trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2020 đã lập kỷ lục mới. Các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa quy mô lớn đã góp phần ghìm cương lãi suất.
Theo dữ liệu xếp hạng tín nhiệm từ S&P Global, số vụ vỡ nợ tại Mỹ đã tăng 80% trong năm 2020, từ mức 143 của năm 2019. Trong khi đó, số vụ vỡ nợ tại châu Âu tăng 2.8 lần lên 42 vụ, còn các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc, chứng kiến số vụ vỡ nợ tăng 30% lên 28 vụ.
Mặc dù con số tổng thể vẫn thấp hơn so với năm 2009, nhưng tỷ lệ vỡ nợ đã vượt 5% lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Số vụ vỡ nợ tập trung ở một số ngành nhất định. Tại Mỹ, ông lớn trung tâm bách hóa J.C. Penney đã tuyên bố phá sản. Tại Anh, Tập đoàn Arcadia – vốn sở hữu công ty Topshop, phá sản trong tháng 11/2020. Xét trên phương diện toàn cầu, trong số 223 vụ vỡ nợ, 60% nằm ở 4 ngành công nghiệp, bao gồm năng lượng, hàng tiêu dùng, nhà hàng khách sạn và bán lẻ.
Nhiều chuyên gia tin rằng ngay cả tác động của đại dịch nhạt phai, đà hồi phục lợi nhuận ở các ngành này sẽ diễn ra chậm chạp.
Robert Sharps, Giám đốc đầu tư (CIO) của T. Rowe Price, chỉ ra rằng: “Quá trình số hóa ở một số ngành công nghiệp gia tăng mạnh trong mùa dịch. Các công ty cung cấp hạ tầng cho nền kinh tế trực chứng kiến nhu cầu bùng nổ”.
Một trong những lý do chính yếu là khối nợ của doanh nghiệp vụt tăng như tên lửa. Dữ liệu của QUICK-Factset bao gồm 34,000 công ty niêm yết trên toàn thế giới (trừ lĩnh vực ngân hàng) cho thấy: Trong năm tài khóa 2020, tỷ lệ công ty đã trả tiền lãi nhiều hơn so với lợi nhuận trước thuế và lãi suất (EBIT) trong ba năm liên tiếp là 26.5%, một mức kỷ lục. Tỷ lệ công ty nặng nợ đã tăng mạnh từ mức 20% của 10 năm về trước.
Tại Mỹ, tỷ lệ này tăng 0.2 điểm phần trăm từ cuối năm tài khóa 2019 lên 34.5%. So với 10 năm trước, con số này tăng tăng 12 điểm phần trăm. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này ở mức 11%, tăng 0.5 điểm phần trăm so với cuối năm tài khóa 2019. Con số ở Nhật Bản thấp hơn mức Trung Quốc và Mỹ, nhưng cũng vượt quá 4% lần đầu tiên trong 9 năm qua.
Nếu các quốc gia tiếp tục hỗ trợ vượt mức cần thiết cho các công ty nặng nợ, các công ty đó sẽ trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế. Trong 5 năm qua, tăng trưởng chi tiêu vốn, số lượng nhân viên và lợi nhuận tại các công ty nặng nợ thấp hơn so với các công ty có nợ thấp hơn.
Các chính phủ và ngân hàng trung ương đã giảm bớt quy mô hỗ trợ tài chính cho các công ty để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, S&P Global Rating cho rằng “các NHTW và Chính phủ có thể bắt đầu dần dần rút lại các gói hỗ trợ tài chính này”. Theo S&P, các chính phủ và NHTW cần phải tránh gây kìm hãm hoạt động kinh doanh, đồng thời khuyến khích tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành công nghiệp.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)