Vietstock - Vì sao các đại gia công nghệ Mỹ tháo chạy khỏi Thung lũng Silicon?
Sau nhiều thập kỷ đóng vai trò tâm điểm của ngành công nghệ Mỹ, Thung lũng Silicon (bang California) đang chứng khiến làn sóng ra đi của nhiều tỷ phú và tập đoàn lớn.
Theo CNN, vị thế của Thung lũng Silicon trong ngành công nghệ Mỹ đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Chỉ tuần trước, tỷ phú Elon Musk - ông chủ hãng xe điện Tesla - thông báo chuyển từ California đến Texas. Tiếp theo ông Musk, nhiều tỷ phú và công ty thuộc ngành công nghệ cũng tiết lộ kế hoạch dịch chuyển trong tương lai gần.
Hewlett Packard Enterprise (HPE) vừa ra quyết định chuyển trụ sở chính đến Texas. Một công ty lâu năm khác tại Thung lũng Silicon là Oracle (ORCL) cũng công bố kế hoạch ra đi. Công ty cho biết sẽ chuyển trụ sở chính đến Austin, một thành phố thuộc bang Texas.
Tỷ phú Elon Musk tiết lộ ông bán căn biệt thự ở khu Bel Air sang trọng tại Los Angeles hồi đầu năm nay để chuẩn bị cho cuộc di dời tới Texas. Giới quan sát nhận định làn sóng "tháo chạy" của ngành công nghệ khỏi San Francisco (nơi Thung lũng Silicon tọa lạc) cho thấy các doanh nghiệp muốn tìm môi trường hoạt động hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Elon Musk là một trong những tỷ phú dẫn đầu làn sóng chuyển dịch khỏi Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters.
|
Làn sóng dịch chuyển
CNN cho biết đã từ lâu, nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp công nghệ tại Thung lũng Silicon phàn nàn về sự yếu kém trong quản lý của thành phố San Francisco và bang California trong việc hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh công nghệ. California là bang đi đầu thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19.
Nhiều nhân vật trong ngành công nghệ - đặc biệt là CEO (HN:CEO) Tesla Elon Musk - chỉ trích những quyết sách quản lý nghiêm ngặt này của chính quyền California. Để so sánh, bang Florida và Texas là hai nơi áp dụng các biện pháp hạn chế ít nghiêm ngặt với các doanh nghiệp công nghệ.
Bang California cũng nổi tiếng là nơi có giá bất động sản đắt đỏ và thuế phí cao. Chi phí sinh hoạt tại California cũng cao hơn các bang khác tại Mỹ. Doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon phải bỏ ra một khoản đáng kể cho chi phí thuê văn phòng. Tại California, thuế thu nhập cá nhân lên đến 13,3%.
Đối với những người có thu nhập cao như các tỷ phú công nghệ, đây là một vấn đề lớn. Ví dụ, với quyền mua hàng chục tỷ USD cổ phiếu từ Tesla, tỷ phú Elon Musk sẽ phải trả tổng cộng 18 tỷ USD tiền thuế cho chính quyền bang California. Tuy nhiên, nếu sống ở Texas, vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới sẽ né được toàn bộ số tiền thuế này.
Tập đoàn Oracle vừa thông báo sẽ chuyển trụ sở từ thành phố Redwood (California) đến Austin, Texas. Ảnh: Reuters.
|
Do đó, các công ty công nghệ chuyển trụ sở từ Thung lũng Silicon đến các bang có chi phí hoạt động và thuế thấp hơn như Texas và Florida. Quyết định của Oracle - nhà sản xuất phần mềm lớn thứ hai thế giới - được xem là một cú đón nặng giáng vào Thung lũng Silicon.
Được thành lập vào năm 1977, Oracle là một trong những tập đoàn công nghệ "sáng lập" tại Thung lũng Silicon. Các tòa nhà màu xanh của Oracle là một biểu tượng của thành phố Redwood. Oracle hiện đã có một trụ sở lớn ở Austin.
Tương tự Oracle, nhiều công ty công nghệ Mỹ chọn Texas, đặc biệt là thành phố Austin, để đặt trụ sở mới. Austin mới được đặt biệt danh "Silicon Hills". Trước Oracle, nhiều công ty công nghệ như Advanced Micro Devices (AMD) và Dell (DELL) đã đặt trụ sở tại đây.
Trung tâm công nghệ mới
Theo thống kê của Phòng Thương mại Austin, tính đến tháng 11, có 39 công ty trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp khác chuyển đến thành phố trong năm nay. Trong số đó có 8VC, công ty đầu tư mạo hiểm của doanh nhân Joe Londonsdale (nhà đồng sáng lập Palantir).
Tesla đang xây dựng một cơ sở rộng 370.000 m2 tại ngoại ô Austin. Dự án này dự kiến tạo thêm 5.000 việc làm cho thành phố. Bà Laura Huffman - Chủ tịch Phòng Thương mại Austin - khẳng định: “Austin là một vùng đất với dân số đa dạng và có trình độ học vấn cao trong khu vực. Đây là một trong những lý do khiến các công ty dịch chuyển đến Austin".
Bà Huffman cho biết 47% dân số lao động của thành phố có bằng cử nhân, thành phố cũng có 25 trường cao đẳng và đại học trong khu vực. "Austin hiểu rõ tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống. Năm 2020 đã khiến nhiều người để ý hơn đến Austin khi lựa chọn một thành phố mới để sinh sống", bà nói.
Miami - một thành phố tại bang Florida - cũng nỗ lực thu hút các công ty công nghệ từ California. Cách đây ít lâu, Thị trưởng Miami Francis Suarez tổ chức một hội nghị trực tuyến để bàn cách thúc đẩy nền công nghệ đang phát triển của thành phố.
Austin (Texas) trở thành trung tâm công nghệ mới của nước Mỹ. Ảnh: Business Journals.
|
"Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển Miami trở thành một trung tâm công nghệ và khởi nghiệp quốc tế, đồng thời biến Miami trở thành thành phố của tương lai, chúng tôi muốn nghe ý kiến của bạn. Hãy tăng cường đổi mới và thúc đẩy tinh thần kinh doanh cùng nhau", ông tuyên bố.
Hồi đầu tháng, nhà đồng sáng lập Reddit Alexis Ohanian thông báo trên Twitter rằng công ty này đã chuyển trụ sở từ San Francisco đến Florida từ ba năm trước. Ông chia sẻ: "Mọi người bị sốc. Họ thắc mắc tôi sẽ kinh doanh như thế nào nếu sống tại Nam Florida. Sau ba năm, cuộc sống kinh doanh của tôi hoạt động khá tốt".
"Giờ đây, nhiều giám đốc điều hành khác của Thung lũng Silicon cũng đã di dời đến Miami", Ohanian nói. Ngân hàng Goldman Sachs, có trụ sở tại New York, cũng đang xem xét di dời một số hoạt động tới thành phố này.
Bùi Ngọc