Vietstock - Tỷ giá Nhân dân tệ quá mạnh đặt Trung Quốc vào thế khó
Dòng vốn chảy mạnh vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc dẫn tới dự báo cho rằng tỷ giá đồng Nhân dân tệ của nước này có thể tăng lên mức cao nhất gần 3 thập kỷ trong năm tới. Đà tăng giá mạnh của đồng nội tệ đang đặt Trung Quốc vào một tình thế khó khăn.
Ảnh minh họa - Ảnh: SCMP.
|
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Citigroup, ông Liu Li-gang, nói rằng vốn ngoại sẽ tiếp tục được đổ mạnh vào các tài sản định giá bằng Nhân dân tệ trong năm 2021, vì những tài sản này mang lại lợi suất cao hơn nhiều so với tài sản tại các quốc gia khác. Ông Liu dự báo Nhân dân tệ so với USD có thể tăng 10%, đạt 6 Nhân tệ đổi 1 USD, thậm chí có thể cao hơn, trong năm 2021.
Lần gần đây nhất tỷ giá Nhân dân tệ đạt mốc này là vào cuối năm 1993, trước khi Trung Quốc thống nhất tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường - động thái dẫn tới việc Nhân dân tệ rớt giá mạnh.
VỐN NGOẠI Ồ ẠT MUA TÀI SẢN TRUNG QUỐC
Đà tăng giá mạnh duy trì từ cuối tháng 5 đến nay đã đưa Nhân dân tệ lên mức cao nhất trong hơn 2 năm. Động lực cho xu hướng này đến từ việc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo số liệu chính thức, trong năm nay, các quỹ đầu tư nước ngoài đã tăng nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc thêm hơn 30%, lên mức kỷ lục. Ngoài sự phục hồi ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc, giới đầu tư còn bị thu hút bởi việc Trung Quốc được đưa vào một số chỉ số trái phiếu toàn cầu quan trọng, và mức lãi suất tương đối cao ở nước này so với tại các nền kinh tế lớn khác.
Để "hãm" bớt đà tăng giá của Nhân dân tệ, Bắc Kinh đã nới lỏng hạn chế đối với các nhà giao dịch bán khống Nhân dân tệ, và giãn bớt các quy định kiểm soát vốn để cho phép dòng vốn chảy khỏi nước này nhiều hơn. Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa đủ để giảm sự hưng phấn của giới đầu tư.
Thực tế này đặt Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào thế khó về chính sách. Một mặt, PBOC cần phải giảm bớt chênh lệch lợi suất với phần còn lại của thế giới để Nhân dân tệ giảm đà tăng, bởi đồng nội tệ tăng giá quá mạnh có thể làm suy yếu đà phục hồi tăng trưởng kinh tế đang dựa nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc. Mặt khác, PBOC cũng cần phải giữ lãi suất ở mức cao, bởi các biện pháp kích cầu trước đó của Trung Quốc đã làm tăng nhanh khối nợ trong nền kinh tế.
"Vấn đề mà Trung Quốc phải đương đầu trong năm tới sẽ rất lớn, đó là dòng vốn liên tiếp chảy mạnh vào nước này", ông Liu nói. "Sự tăng giá của Nhân dân tệ sẽ là một rủi ro lớn đối với kinh tế vĩ mô của Trung Quốc".
Từ mức đáy của năm 2020 thiết lập vào tháng 5, Nhân dân tệ đến nay đã tăng giá gần 10%, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh thứ nhì tại khu vực châu Á, chỉ sau đồng Won Hàn Quốc. Hôm thứ Sáu, mức tỷ giá là 6,546 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
NGUY CƠ BONG BÓNG TÀI SẢN
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã tăng trong những tháng gần đây do đồn đoán rằng PBOC sẽ bắt đầu rút các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ. Vì vậy, lợi thế về lãi suất của Nhân dân tệ so với USD đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ so với USD (màu hồng, đơn vị: Nhân dân tệ/USD) và chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm so với trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn (màu đen, đơn vị: điểm cơ bản) - Nguồn: Bloomberg.
|
Nhân dân tệ cũng được hỗ trợ bởi niềm tin của giới đầu tư rằng Washington sẽ bớt cứng rắn hơn với Bắc Kinh sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên cầm quyền. Ngoài ra, việc nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell đưa Trung Quốc vào chỉ số trái phiếu chính phủ World Government Bond Index, và sự suy yếu của đồng USD nói chung cũng đóng góp vào xu hướng tăng giá của Nhân dân tệ.
Nhân dân tệ tăng giá nhanh có thể làm suy yếu lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vì khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài. Trong trường hợp đó, đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chững lại, vì xuất khẩu đang giữ vai trò đầu tàu nhờ nhu cầu lớn của thế giới đối với các mặt hàng có liên quan đến đại dịch Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, như khẩu trang, thiết bị y tế, hàng công nghệ…
Bên cạnh đó, đồng nội tệ không ngừng tăng giá cũng là "thỏi nam châm" thu hút các dòng vốn đầu cơ, dẫn tới nguy cơ hình thành bong bóng tài sản và đặt ra rủi ro tài chính.
Đó là lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tìm cách hãm đà tăng giá Nhân dân tệ, theo chiến lược gia Dariusz Kowalczyk thuộc Credit Agricole. Vị này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải nới lỏng hơn nữa hạn chế đối với dòng vốn chảy khỏi nước này và định hướng cho tỷ giá trên thị trường yếu đi thông qua hạ tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Ông dự báo Nhân dân tệ vào cuối năm 2021 có thể ở ngưỡng 6,35 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Lần gần đây nhất Nhân dân tệ lên gần 6 Nhân dân tệ đổi 1 USD là vào tháng 1/2014, khi được hỗ trợ bởi dòng vốn nóng chảy vào Trung Quốc. PBOC khi đó đã thành công trong việc hãm đà tăng của đồng nội tệ bằng cách hạ mạnh tỷ giá tham chiếu trong 2 ngày liên tiếp.
"Chúng tôi vẫn muốn bán USD để mua Nhân dân tệ, dù chúng tôi thực sự hiểu rằng tốc độ tăng giá của Nhân dân tệ sẽ chậm lại", nhà quản lý danh mục Stephen Chang của Pacific Investment Management phát biểu. "Chúng tôi cho rằng rất đáng để gia tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc".
An Huy