Vietstock - Trung Quốc vung tiền thâu tóm khắp thế giới
Nước này đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với làn sóng thâu tóm lớn chưa từng thấy, bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ cũng như cảnh giác của các nước nhận đầu tư.
Chỉ trong 4 thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn trên toàn cầu. Đây là quốc gia có đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 2 thế giới và là nước nhận đầu tư nước ngoài lớn thứ 3.
Quốc gia này đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với làn sóng thâu tóm lớn chưa từng thấy, bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ cũng như sự cảnh giác của các nước nhận đầu tư thời gian gần đây.
Đầu tư 'khủng' khắp châu Âu
Ảnh: Shutterstock.
|
Trong 7 tháng đầu năm 2018, đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh lên 65,1 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn được rót vào gần 4.000 doanh nghiệp tại 152 quốc gia, theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia nằm trên Vành đai Con đường - sáng kiến nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa” thế kỷ 21 chạy khắp Á – Âu, tăng 11,8% so với năm trước lên 8,55 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào châu Âu tăng lên 20 tỷ USD. Thuỵ Điển là nước châu Âu nhận được đầu tư từ Trung Quốc lớn nhất với 3,6 tỷ USD, theo sau là Anh với 1,6 tỷ USD. Đức và Pháp lần lượt nhận 1,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Trong đó, đáng chú ý là vụ công ty China Three Gorges Dam Corp. thâu tóm 76,7% cổ phần công ty Energias de Portugal SA của Bồ Đào Nha với giá 27,4 tỷ USD. Một trong những thương vụ đình đám nhất nửa đầu năm 2018 là công ty Zhejiang Geely Holding Group thâu tóm gần 10% cổ phần của hãng xe Đức Daimler AG - công ty mẹ của Mercedes-Benz với giá 9 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào một hãng sản xuất xe toàn cầu của một công ty Trung Quốc.
Vài năm trở lại đây, các công ty Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm doanh nghiệp Đức. Tập đoàn đa ngành HNA Group của Trung Quốc hiện nắm giữ 8,8% cổ phần tại ngân hàng Deutsche Bank. Trong khi đó, nhà sản xuất robot Kuka của nước này cũng bị hãng sản xuất đồ gia dụng lớn nhất thế giới Midea của Trung Quốc thâu tóm.
Theo dữ liệu của Bloomberg, từ năm 2008 tới tháng 4/2018, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 318 tỷ USD thông qua hơn 1.000 thương vụ tại châu Âu. Các công ty Trung Quốc đã mua đứt ít nhất 360 công ty, trong đó có hãng sản xuất lốp Pirelli & C. SpA của Italy và công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings Ltd. của Ireland; sở hữu một phần hoặc toàn bộ 4 sân bay, 6 cảng biển, nhà máy điện gió ở 9 quốc gia cùng 13 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Đó là chưa kể hàng trăm vụ sáp nhập, đầu tư và liên doanh của công ty Trung Quốc tại châu lục này.
Tại Pháp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi đậm mua hàng nghìn hecta đất canh tác. Ngoài đất canh tác, giới đầu tư nước này còn quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược quan trọng của châu Âu như mạng lưới điện, sân bay, cảng biển…
Một trong những thương vụ được biết đến nhiều nhất là thâu tóm cảng biển Pireus của Hy Lạp. Tập đoàn quốc doanh Cosco của Trung Quốc cũng sở hữu cảng biến Zeebrugge tại Bỉ và nắm giữ đa số cổ phần tại các cả Valencia và Bilbao ở Tây Ban Nha. Nhiều mạng lưới điện ở Bồ Đào Nha và Italy cũng được Trung Quốc rót vốn đầu tư.
Nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu cổ phần tại nhiều chuỗi khách sạn, thời trang, câu lạc bộ bóng đá, cảng biển, sân bay tại Pháp. Công ty China Merchants Holdings hiện nắm 49,9% sân bay Toulouse và 49% cảng hàng hóa Terminal Link tại Marseill.
Theo thống kê của Bloomberg và báo cáo của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), các công ty Trung Quốc đang quan tâm hàng loạt thương vụ tại châu Âu nhưng chưa chính thức công bố, ví dụ như xây lò phản ứng hạt nhân ở Romania và Bulgaria, mua cảng container ở Croatia, xây cảng biển ở Thụy Điển, tiếp quản hãng sản xuất ôtô Skoda Transportation AS của Cộng hòa Séc và công ty sản xuất dầu, khí đốt Ireland…
Nhà đầu tư Trung Quốc cũng có ý muốn đầu tư vào công ty điều hành lưới điện của Đức, xây cầu ở Croatia và tuyến đường sắt Budapest-Belgrade.
Giảm đầu tư vào Mỹ
Ảnh: Getty Images
|
Chỉ vài năm trước, các nhà đầu tư Trung Quốc và thị trường Mỹ mới bắt đầu trở nên thân thiện hơn với nhau. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ tăng vọt lên 46 tỷ USD chỉ trong năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2016 – 2017, dòng tiền từ Trung Quốc đổ vào Mỹ giảm khoảng 50%. Và dù năm 2018 chưa qua, sự đổ vỡ vẫn tiếp diễn: Trong nửa đầu năm 2018, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 90% so với nửa đầu 2017 và hiện chỉ còn khoảng 2 tỷ USD, theo CNBC.
David Firestein, người sáng lập Trung tâm Chính sách công Trung Quốc của Đại học Texas, gọi cú giảm đó là “chưa từng có” trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Week.
Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, số tiền người Trung Quốc rút ra khỏi Mỹ nhiều hơn số rót vào khoảng 7,8 tỷ USD. Dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, từ đầu năm 2018, nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc đã bị huỷ bỏ với nhiều lý do được đưa ra. Trong đó, một phần đến từ những quan ngại về xâm phạm sở hữu trí tuệ, đe doạ an ninh quốc gia.
Phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang khiến các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy việc rót vốn vào thị trường Mỹ mang lại nhiều phiền phức hơn là lợi ích. Khi quan hệ với Mỹ xấu đi, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu đổ xô sang châu Âu dù châu lục này cũng đã bắt đầu cảnh giác và thận trọng hơn.
Sáng kiến Vành đai Con đường
Với sáng kiến Vành đai Con đường, Trung Quốc muốn mang tái sinh "Con đường Tơ lụa" và đưa Trung Quốc trở thành trung tâm của mạng lưới thương mại khổng lồ trải khắp Á - Âu.
Được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố lần đầu vào cuối năm 2013, dự án đầy tham vọng này có vốn đầu tư ước tính khoảng 900 tỷ USD, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông và điện tại hàng loạt quốc gia đi qua.
Bắc Kinh cho biết có hơn 100 thoả thuận đa song phương, đa phương giữa 70 quốc gia tham gia Vành đai Con đường cùng sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp, không chỉ liên quan tới cơ sở hạ tầng, theo tờ South China Morning Post.
Chuyến tàu chở hàng đầu tiên nối miền đông Trung Quốc với London (Anh) được thực hiện vào tháng 1/2017 - Ảnh: SCMP.
|
Các dự án đáng chú ý của Sáng kiến này gồm dự án công nghiệp Trung Quốc - Belarus trị giá 5 tỷ USD, dự án cầu và đường sắt 3,1 tỷ USD ở Bangladesh, tuyến đường sắt nối Trung Quốc - Lào với vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, nhà máy lọc dầu 10 tỷ USD ở Saudi Arabia, thành phố mới gần cảng Colombo ở Sri Lanka với tổng đầu tư 13 tỷ USD trong 25 năm tới, và một tuyến đường vận tải hàng hoá hiện nối miền đông Trung Quốc với London (Anh).
Chiếm tỷ trọng đầu tư lớn trong Vành đai Con đường là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan với hàng loạt dự án có tổng vốn đầu tư 60 tỷ USD. Con số trên chiếm khoảng 20% GDP của Pakistan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đằng sau mục đích xây dựng mạng lưới thương mại nối liền Á - Âu, Trung Quốc còn có tham vọng gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia và khu vực dọc Vành đai Con đường. Với bản thân các quốc gia nhận đầu tư, họ phải chấp nhận những rủi ro cũng như cơ hội từ dòng vốn đầu tư Trung Quốc - quyền lực nhưng khó chơi.
Nguyễn Duy