Vietstock - Trung Quốc mấp mé ngưỡng giảm phát
Bất chấp nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ, lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn đang suy yếu dần và tiến gần về mức 0, đánh dấu tháng giảm tốc thứ 4 liên tiếp. Đây được xem là một bước lùi đáng lo ngại trong cuộc chiến chống giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong ngày 09/01, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0.1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 0.2% của tháng trước đó. Con số này trùng khớp với dự báo từ các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.
Tình trạng giảm phát trong khu vực sản xuất vẫn kéo dài sang tháng thứ 27, dù chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm yếu hơn tháng trước, ở mức 2.3%.
Tuy nhiên, điểm tích cực là CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động - đã tăng 0.4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7.
Áp lực giảm phát dai dẳng tại Trung Quốc đang tạo nên sự tương phản rõ rệt với các nền kinh tế lớn khác. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn cảnh báo về rủi ro lạm phát cao và khu vực đồng Euro ghi nhận lạm phát đang tăng trở lại, thì Bắc Kinh lại lo ngại chu kỳ giảm phát có thể kìm hãm chi tiêu hộ gia đình và gây tổn hại đến doanh nghiệp.
"Mặc dù thị trường tiêu dùng vẫn duy trì ổn định trong tháng 12, nhưng mức giảm 0.5% của giá thực phẩm so với năm trước đã kéo tụt chỉ số tổng thể", Dong Lijuan, Chuyên gia thống kê tại Cục Thống kê Quốc gia cho biết.
Bloomberg Economics nhận định: "Báo cáo giá tháng 12 của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế vẫn đang hoạt động chậm chạp dù đã tăng cường hỗ trợ chính sách từ cuối tháng 9. Các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ để chống lại rủi ro giảm phát".
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, các quan chức đã đặt việc thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu nội địa là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Họ cam kết sẽ tăng cường vay nợ công và chi tiêu cùng với nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025.
Michelle Lam, Chuyên gia kinh tế khu vực Trung Quốc mở rộng tại Societe Generale SA nhận xét: "Điều này không thể xóa tan lo ngại về giảm phát. Chúng tôi nhận thấy mức giảm khá rộng rãi ở các mặt hàng như hàng hóa và dịch vụ nhà ở cũng như chăm sóc sức khỏe".
Đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tốc độ tăng giá chậm chạp có thể là thêm một lý do ủng hộ việc nới lỏng tiền tệ. Điều này dự kiến sẽ làm tăng căng thẳng giữa các mục tiêu mâu thuẫn của ngân hàng trung ương trong việc hỗ trợ tăng trưởng và kìm hãm đà giảm giá của đồng Nhân dân tệ.
"Số liệu CPI có thể không phải là yếu tố chính thúc đẩy PBOC nới lỏng thêm, nhưng chắc chắn nó củng cố thêm cho kịch bản cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay", Lynn Song, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc mở rộng tại ING Bank ở Hồng Kông nhận định.
Mối lo về thập kỷ mất mát như Nhật Bản
Trong bối cảnh lạm phát suy yếu, thị trường trái phiếu Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. Chưa bao giờ các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ quy mô 11,000 tỷ USD của nước này lại bi quan như hiện tại. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức thấp nhất lịch sử trong những tuần gần đây, bất chấp loạt biện pháp kích thích kinh tế được Bắc Kinh tung ra.
Những dấu hiệu này khiến các nhà đầu tư nhớ đến trải nghiệm đau thương của Nhật Bản - nền kinh tế từng rơi vào thời kỳ tăng trưởng trì trệ kéo dài hàng thập kỷ. Nỗi lo "Nhật Bản hóa" ngày càng lan rộng khi 10 công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc đều đã phát hành nghiên cứu về thập niên mất mát của xứ sở hoa anh đào.
Những điểm tương đồng đáng ngại giữa Trung Quốc hiện tại và Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng đang ngày càng rõ nét. Cả hai đều phải đương đầu với sự đổ vỡ của thị trường bất động sản, đầu tư tư nhân yếu ớt, tiêu dùng ảm đạm, gánh nặng nợ nần và dân số già hóa nhanh chóng.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy cái giá phải trả có thể rất đắt. Trong giai đoạn từ 1990 đến 2010, chỉ số Nikkei 225 của nước này đã sụt giảm hơn 70% và phải mất hơn 30 năm mới lấy lại được đỉnh cao năm 1989. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm từ mức đỉnh trên 8% năm 1990 đã lao dốc xuống dưới 0 vào giữa thập niên 2010.
Thị trường Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tương tự khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm từ gần 5% năm 2013 xuống dưới 1.6% đầu năm nay. Chỉ số CSI 300 hiện đã mất 30% so với đỉnh điểm tháng 2/2021.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn giữ niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mark Mobius, nhà đầu tư kỳ cựu về thị trường mới nổi, nhấn mạnh rằng với khả năng kiểm soát nền kinh tế vượt trội hơn Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc có đủ công cụ để ngăn chặn và giảm thiểu các yếu tố tiêu cực.
Bài học từ Nhật Bản cho thấy thời gian là yếu tố then chốt. Jesper Koll, Giám đốc cấp cao tại Monex Group, chỉ ra rằng nền kinh tế Nhật Bản chỉ thực sự phục hồi khi các nhà hoạch định chính sách chuyển hướng từ đầu tư cơ sở hạ tầng sang hỗ trợ trực tiếp người dân. "Các chính trị gia Nhật Bản đã mất 20 năm để học được bài học này. Tôi hy vọng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ sớm nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy sức mua trong dân chúng", ông nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)