Vietstock - Trung Quốc đón tin đáng ngại
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn khi số liệu mới nhất cho thấy các biện pháp kích thích của chính phủ vẫn chưa đủ để thúc đẩy tiêu dùng và thoát khỏi bóng ma giảm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0.2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng thị trường ở mức 0.4%.
Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng giảm phát trong lĩnh vực sản xuất đã kéo dài sang tháng thứ 26 liên tiếp. Mặc dù chỉ số giá sản xuất (PPI) đã cải thiện nhẹ từ mức giảm 2.9% trong tháng 10 và chỉ còn giảm 2.5% trong tháng 11, con số này vẫn phản ánh sự yếu kém dai dẳng trong khu vực sản xuất - động lực tăng trưởng truyền thống của Trung Quốc.
"Các hoạt động kinh tế đã ổn định gần đây nhưng sự phục hồi vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy lạm phát. Cần một động lực tài khóa mạnh mẽ hơn nhiều để đưa Trung Quốc thoát khỏi môi trường giảm phát", Zhiwei Zhang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management đánh giá.
Báo cáo trên được đưa ra khi Bộ Chính trị Trung Quốc chuẩn bị tổ chức cuộc họp thường kỳ tháng 12, tiếp theo là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương - nơi sẽ hoạch định các mục tiêu và kế hoạch kinh tế cho năm 2025.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phải vật lộn để thoát khỏi giảm phát, với tăng trưởng tiêu dùng vẫn còn thấp xa so với mức trước đại dịch. Sự suy giảm này đã thôi thúc Chính phủ và ngân hàng trung ương bắt đầu triển khai các biện pháp kích thích từ cuối tháng 9.
Đà giảm của giá thực phẩm đã kéo giảm lạm phát. Giá thịt lợn, rau củ và trái cây - những thành phần chính trong rổ CPI của Trung Quốc - đã giảm đáng kể so với tháng trước. Lạm phát cơ bản, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng nhẹ lên mức cao nhất trong 3 tháng là 0.3%.
Sự cải thiện trong CPI cơ bản và thu hẹp mức giảm của PPI "cho thấy niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình đã phục hồi nhanh hơn sau hàng loạt chính sách kích thích", Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa tại Jones Lang LaSalle Inc cho biết.
"Nhưng khả năng và nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn thấp, kỳ vọng đầu tư tư nhân vẫn yếu, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh sâu, và giá cả tiếp tục duy trì ở mức thấp", ông nói.
Doanh số bán lẻ tháng 10 cho thấy dấu hiệu cải thiện, một phần nhờ kỳ nghỉ dài thúc đẩy tiêu dùng tư nhân. Dữ liệu về sản xuất công nghiệp, bán lẻ và đầu tư dự kiến công bố vào tuần tới sẽ cho thấy liệu xu hướng này có tiếp diễn trong tháng 11 hay không.
Bloomberg Economics nhận định: "Với khu vực tư nhân trong tình trạng yếu kém, Chính phủ cần ra tay kích thích mạnh mẽ hơn để thúc đẩy phục hồi kinh tế và ngăn chặn rủi ro giảm phát”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)