Vietstock - Trung Quốc chuẩn bị ra sao trước dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường?
Lần cuối cùng Trung Quốc chứng kiến tình trạng dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường một cách ồ ạt như vậy là trong giai đoạn 2015-2017. Tình trạng này chỉ dừng lại khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn và giải phóng dự trữ ngoại hối.
Ảnh minh họa: SCMP
|
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong bối cảnh Mỹ chuyển hướng tăng cường thắt chặt lãi suất, Bắc Kinh xuất hiện lo ngại về dòng vốn nước ngoài chảy ra và sức ép lên đồng nhân dân tệ. Một câu hỏi mà các nhà đầu tư và phân tích đặt ra ở đây là “Trung Quốc đã chuẩn bị như thế nào để đối phó trước tình trạng này?”.
Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư đã rút tiền khỏi Trung Quốc với tốc độ chưa từng thấy, xuất phát từ nguyên do thị trường kỳ vọng về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, sự bùng phát mạnh mẽ của biến thể Omicron và xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài việc bán trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán phá giá cổ phiếu của Trung Quốc, dẫn đến sự thay đổi của thị trường chứng khoán khiến các quan chức phải cam kết hỗ trợ thị trường và nền kinh tế.
Tốc độ dòng vốn chảy ra "chưa từng có" đã trở nên đáng báo động đối với các quan chức Trung Quốc và khiến Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo về “hiệu ứng lan tỏa” chính sách tiêu cực từ "một số quốc gia". Lần cuối cùng Trung Quốc trải qua đợt vốn nước ngoài bị bán tháo ồ ạt và nghiêm trọng như vậy là vào năm 2015-2017.
Hiện các nhà quan sát thận trọng cảnh báo bất kỳ sai sót nào trong chu kỳ lãi suất hiện tại của FED đều có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc trả giá đắt. “Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ chắc chắn là chưa từng có về quy mô và tốc độ”, cựu Thứ trưởng Tài chính Zhu Guangyao phát biểu tại Diễn đàn Quản lý Tài sản Trung Quốc 50 tổ chức ngày 24/4.
Tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng 5 tới. Thị trường kỳ vọng vào quyết định tăng lãi suất tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay của FED để kiềm chế lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lãi suất được dự báo sẽ tăng vọt trên 2% so với mức hiện tại là 0,25-0,5%. Ngoài việc tăng lãi suất, FED có kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán từ mức 9.000 tỷ USD cao kỷ lục cũng trong tháng 5.
Cựu quan chức Zhu nhận định: “Đây là thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt, khi nói đến kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của FED”.
Triển vọng kinh tế ảm đạm do chính sách “Không COVID” của Trung Quốc gây ra và lợi thế lợi tức so với Kho bạc Mỹ biến mất cũng đang gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.
Trong tuần qua, đồng nhân dân tệ đã suy yếu gần 2% so với đồng USD trên thị trường trong nước trước khi có sự can thiệp của ngân hàng trung ương.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã làm chậm đà trượt giá của đồng nhân dân tệ bằng cách cắt giảm một điểm phần trăm yêu cầu dự trữ ngoại hối của các ngân hàng xuống còn 8% kể từ ngày 1/5. Động thái này sẽ giải phóng khoảng 10 tỷ USD vào thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau để đề phòng việc tháo chạy vốn, cũng như tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ trên các sàn chứng khoán và thị trường hoảng loạn.
Cách đây một năm, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) thực hiện kiểm soát hành vi thao túng thị trường ngoại hối. Kể từ đó, cơ quan này hoạt động để thuyết phục các nhà xuất khẩu trung lập với rủi ro tỷ giá hối đoái, yêu cầu họ quản lý tốt hơn mức độ rủi ro ngoại hối và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro. Quy định cũng được mở rộng sang các sòng bạc ở nước ngoài, ngân hàng ngầm và giao dịch Bitcoin.
Bà Wang Chunying, Phó giám đốc SAFE, cho biết Trung Quốc vẫn có khả năng thích ứng với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Nhà chức trách chỉ ra thặng dư thương mại của Trung Quốc, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này, giá trị tài sản ròng ở nước ngoài 2.000 tỷ USD cùng khoản tiền gửi ngoại tệ có thể bù đắp cho tình trạng thoái vốn.
Bà Zhang Monan, trưởng nhóm nghiên cứu về Mỹ và châu Âu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho hay quy mô của các dòng vốn bị thoát tháo vẫn còn khá nhỏ so với năm 2015.
Bà Zhang chỉ ra tài sản bằng nhân dân tệ có thể trở nên hấp dẫn hơn cho các mục đích bảo hiểm rủi ro. “So với giai đoạn 2015-2017, thời thế đã thay đổi. Đồng nhân dân tệ đã trở thành ‘nơi trú ẩn an toàn’ trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine”.
Bảo Hà