Vietstock - Tổng khoản vỡ nợ tại Trung Quốc có thể vượt 15 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp
Tổng các khoản vỡ nợ doanh nghiệp của Trung Quốc có thể vượt 100 tỷ Nhân dân tệ (15.2 tỷ USD) trong năm thứ 3 liên tiếp, qua đó thể hiện phần nào tác động của đại dịch Covid-19 và chiến dịch đảm bảo sự ổn định tài chính của Chính phủ Trung Quốc.
Tống khoản vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc trong hai tuần qua đã đẩy khoản nợ quá hạn lên tới 104 tỷ Nhân dân tệ (15.8 tỷ USD) trong năm nay, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg. Tổng lượng nợ nước ngoài quá hạn cũng tăng vọt lên 8.1 tỷ USD, gấp 2.1 lần tổng mức nợ quá hạn của năm 2019.
Để giúp đất nước vượt qua “cơn bão” Covid-19 đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã mở “vòi” tín dụng. Tuy nhiên, điều này lại làm nảy sinh một lo ngại đã tồn tại từ lâu về núi nợ chồng chất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giữa lúc kinh tế Trung Quốc tiếp tục hồi phục từ “cơn bạo bệnh”, các nhà quyết sách đã ra động thái để “dọn dẹp” lại hệ thống tài chính, từ đó làm gia tăng số vụ vỡ nợ.
Các cơ quan quản lý tài chính cam kết “không chấp nhận” hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu sau hàng loạt vụ thanh toán trễ hạn của 3 công ty Nhà nước có tiếng tăm.
Khả năng rút lại các biện pháp kích thích sẽ gây thêm áp lực lên những công ty mất khả năng thanh toán trong việc huy động thêm vốn để trả nợ. Khoảng 172.6 tỷ USD nợ sẽ đến hạn vào tháng 11/2021 và hơn 86 tỷ USD nợ sẽ đến hạn vào tháng 3/2021. Khoảng 63.9 tỷ USD nợ sắp đến hạn xuất phát từ Yongcheng Coal & Electricity Holding Group Co., Tsinghua Unigroup Co. và Brilliance Auto Group Holding Co., chiếm 37% tổng giá trị nợ sắp đến hạn.
Áp lực tái tài trợ sẽ gia tăng khi một loạt trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước trong khu vực sắp đến hạn và điều này sẽ làm gia tăng số vụ vỡ nợ, Yewei Yang, Chuyên viên phân tích từ Guosheng Securities, cho hay. Rủi ro tín dụng sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp Nhà nước tọa lạc ở những nền kinh tế yếu hơn, áp lực nợ nặng nề hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào việc bán đất.
7 công ty đang gặp vấn đề về tài chính – trong đó có Peking University Founder Group – hiện đang phải trả nợ tổng cộng 43.8 tỷ Nhân dân tệ và đã nộp đơn xin tái cấu trúc theo luật phá sản. Tuần trước, Brilliance Auto Group, một nhà sản xuất xe hơi liên kết với Bayerische Motoren Werke AG, cũng là một công ty Nhà nước vừa bị vỡ nợ và xin tái cấu trúc.
Tính từ đầu năm 2020, hiện tổng lượng nợ gốc và lãi bị trễ hạn lên tới 34 tỷ Nhân dân tệ và là nguyên nhân lớn thứ hai khiến các công ty đối mặt nguy cơ vỡ nợ cao.
Các ngành có rủi ro cao
Lĩnh vực công nghệ - trong đó có Peking University Founder Group – chiếm hơn 1/3 tổng giá trị nợ quá hạn trong năm nay. Kế đó là lĩnh vực tiêu dùng theo chu kỳ, bao gồm 6 công ty, lớn nhất là Tunghsu Group và Brilliance Auto Group.
Lĩnh vực rủi ro cao thứ 3 là các công ty phát triển bất động sản bao gồm Tahoe Group và Tianjin Real Estate Group – những công ty đã thúc đẩy sự hình thành của chiến lược “3 lằn ranh đỏ” cho các tập đoàn bất động sản lớn. Những công ty đã vượt quá 3 thước đo về đòn bẩy mà nhà điều hành đưa ra sẽ bị cấm vay thêm.
* Trung Quốc lần đầu vay nợ với lãi suất âm
* Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước vỡ nợ, vì sao Chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ?
* Lại một công ty Trung Quốc bị cáo buộc là 'cú lừa tỷ USD'
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)