Vietstock - Tiền tệ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau lao dốc, thị trường mới nổi lại bấp bênh
Các thị trường mới nổi lại thêm một lần chao đảo, trong đó đồng Peso của Argentina, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng Rupiah của Indonesia trượt dốc mạnh trong đêm qua. Tâm lý tiêu cực chuẩn bị “đè nặng” lên các đồng tiền châu Á, các chuyên viên phân tích nhận định.
Đồng Peso rớt gần 12%, khi khủng hoảng ở Argentina ngày càng leo thang, thậm chí Ngân hàng Trung ương nước này buộc phải nâng lãi suất lên 60% để vực dậy đồng nội tệ. Nới rộng đà giảm mạnh trong năm nay, đồng Lira sụt 2.94% trong phiên lao dốc thứ 4 liên tiếp.
Ở châu Á, đồng Rupee của Ấn Độ rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, giảm 10.97% so với thời điểm đầu năm nay. Bên cạnh đó, đồng Rupiah của Indonesia cũng xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm.
“Các thị trường mới nổi sẽ vẫn chịu áp lực từ khủng hoảng đồng Peso của Argentina và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ”, các chuyên viên phân tích của DBS cho biết trong báo cáo sáng ngày thứ Sáu (31/08). Đồng Peso lao dốc hơn 45% so với đồng USD trong năm nay.
“Argentina đã nâng lãi suất lên mức kỷ lục 60% để giải quyết vấn đề lạm phát 2 con số, nhưng điều này sẽ làm cuộc suy thoái trầm trọng thêm, và cùng với đó là thâm hụt ngân sách/tài khoản vãng lai ở mức 5% GDP. Qua đó gia tăng rủi ro Chính phủ Argentina bị vỡ nợ”, họ nói thêm.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index giảm 2.1% so với thời điểm đầu tháng 8/2018, và tụt dốc 5.1% so với thời điểm đầu năm 2018.
Tác động lên các đồng tiền mới nổi châu Á
Các cuộc khủng hoảng tiền tệ có thể tác động tiêu cực tới châu Á.
Các đồng tiền yếu nhất ở châu Á – đồng Rupee của Ấn Độ, Rupiah của Indonesia và Peso của Philippines – có khả năng chịu áp lực, họ cho hay.
Các chuyên viên phân tích ở DBS lưu ý rằng, mặc dù không hoàn toàn miễn nhiễm, nhưng thị trường châu Á mới nổi vẫn “đứng vững” trước cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cho rằng, đà giảm của đồng Rupee, Rupiah và Peso (Philippines) vẫn còn khá “khiêm tốn” so với đà lao dốc của đồng Peso (Argentina) và Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) trong năm nay.
“Ngay cả là như thế, châu Á vẫn cần phải chống lại tâm lý tự mãn”, các chuyên viên phân tích ở DBS nhận định.
“Ba đồng tiền này vẫn đang gặp khó khăn vì đà tăng của lãi suất ở Mỹ từ đầu năm nay, vì họ có thâm hụt tài khóa và thâm hụt tài khoản vãng lai. Khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang có khả năng chuyển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, khu vực châu Á có khả năng rơi vào tình trạng thoái vốn hỗn loạn, qua đó có thể dẫn tới bất ổn tài chính, nhất là ở những quốc gia có nợ nước ngoài cao”, các chuyên viên phân tích ở DBS cho hay.
Irene Cheung, Chiến lược gia cấp cao phụ trách châu Á tại ANZ, cho hay, đà tăng của giá dầu sẽ là một mối lo ngại lớn, nhất là đối với những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai. Đây sẽ là yếu tố đè nặng lên các đồng tiền mới nổi.
Giá dầu ngày càng cao sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu dầu cho những quốc gia hiện đang là nhà nhập khẩu dầu ròng. Giá dầu cao hơn cũng nới rộng thâm hụt tài khoản vãng lai – một thước đo về dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra/vào ở quốc gia đó.
Hàng rào thuế quan và đồng Nhân dân tệ
Các hàng rào thuế quan có khả năng gia tăng áp lực lên đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền khác trong khu vực, theo ông Carnell.
“Đáp trả lại tuyên bố ngày hôm qua của Donald Trump (ông đang tìm cách đưa ra vòng áp hàng rào thuế quan mới lên Trung Quốc vào tuần tới), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dường như cho phép phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ. Chính điều này (lo lắng về hàng rào thuế quan) là lý do tại sao các đồng tiền trong khu vực suy giảm nhẹ trong ngày hôm nay, chứ không phải vấn đề từ Argentina/Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nhận định.
Vũ Hạo (Theo CNBC)