Vietstock - Thị trường tiền ảo tuần qua: Sau Evergrande là cú đấm bồi từ Trung Quốc
Vào giữa tuần này, khi những thông tin tiêu cực về tập đoàn bất động sản nặng nợ Evergrande nổi lên, tâm lý nhà đầu tư lập tức bị tác động. Các đồng tiền kỹ thuật số cũng hòa vào đà giảm mạnh của các tài sản rủi ro cao khi nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn. Chưa kịp “gượng dậy” từ tác động lan truyền mà Evergrande gây ra, thị trường tiền ảo cuối tuần này lại nhận thêm “cú đấm bồi”: Trung Quốc cấm tất cả giao dịch tiền ảo.
Evergrande đứng trước bờ vực vỡ nợ
Thông tin về khả năng vỡ nợ của Evergrande đã nhen nhóm từ tuần trước và bắt đầu lên tới đỉnh điểm với những đợt biểu tình đòi lại tiền từ các nhà đầu tư, người mua nhà và các khoản thanh toán chưa trả cho người cung cấp, nhà thầu. Với núi nợ hơn 300 tỷ USD và rất ít tiền mặt để trả nợ, Evergrande giờ đang đứng trước bờ vực vỡ nợ. Thông tin này cũng tác động tiêu cực tới các tài sản rủi ro và thị trường tiền ảo cũng là một trong số đó.
Trên thực tế, bản chất khác thường và hành vi thị trường rời rạc, khó đoán, khiến tiền ảo trở thành một trong những tài sản rủi ro nhất. Và trong khi các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tìm cách tiếp xúc với nó để tối đa hóa lợi nhuận, thì họ sẽ khó lòng nắm giữ tiền ảo trong thời gian hỗn loạn của một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra.
Những người tham gia thị trường toàn cầu cũng lo sợ về một hiệu ứng domino có thể xảy ra và ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ không nằm ngoài hiệu ứng.
Trung Quốc cấm tất cả giao dịch liên quan tới tiền ảo
Tất cả các đồng tiền kỹ thuật số, bao gồm cả Bitcoin và Tether, không phải là đồng tiền pháp định và không thể lưu thông trên thị trường, NHTW Trung Quốc cho biết trên trang web của mình. Tất cả các giao dịch liên quan tới tiền ảo – bao gồm cả dịch vụ mà các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp cho người dân Trung Quốc – đều được xem là hoạt động tài chính bất hợp pháp, PBoC cho biết trong một tuyên bố.
Giá Bitcoin có lúc giảm 6% và Ethereum sụt tới 10% giữa làn sóng bán tháo vào ngày 24/09.
Trước thông tin trên, một số người giữ tiền ảo ở Trung Quốc và Hồng Kông đang gấp rút tìm cách bảo vệ Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác mà họ nắm giữ.
“Gần 2 tiếng sau khi có thông báo, tôi đã nhận được hàng tá tin nhắn – email, điện thoại và ứng dụng tiền mã hóa – từ những người nắm giữ tiền ảo. Họ muốn có giải pháp để tiếp cận và bảo vệ lượng tiền ảo trên các sàn giao dịch nước ngoài và ví lạnh”, David Lesperance, một luật sư ở Toronto, cho hay.
Lesperance cho biết động thái từ Bắc Kinh nhằm “đóng băng” các tài sản ảo và vì thế, những người nắm giữ không thể làm bất kỳ điều gì với chúng một cách hợp pháp. “Cùng với việc không thể làm điều gì với một tài sản cực kỳ biến động như tiền ảo, tôi nghi rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp cho họ khả năng chuyển đổi các đồng tiền kỹ thuật số này sang đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ở mức giá thị trường cố định trong tương lai”, ông nói.
“Tôi đã dự báo về điều này trong một oảng thời gian khi Chính phủ Trung Quốc ra sức loại bỏ toàn bộ các đồng tiền kỹ thuật số cạnh tranh với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số”, ông Lesperance nhận định.
Vốn hóa thị trường tiền ảo “bốc hơi” 250 tỷ USD
Giá Bitcoin hiện ở mức 42,679 USD, sau khi có lúc giảm xuống gần 40,000 USD trong ngày 24/09 sau thông tin Trung Quốc cấm tiền ảo. Tính trong 7 ngày qua, Bitcoin giảm gần 11%. Trong khi đó, Ethereum giảm hơn 15%, Ripple giảm hơn 11%, Binance Coin giảm 14%.
Vốn hóa thị trường tiền ảo giảm từ 2,150 tỷ USD xuống chỉ còn 1,900 tỷ USD vào sáng ngày 25/09, tức giảm 250 tỷ USD trong 1 tuần.
Diễn biến giá của top 10 đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất
Nguồn: CoinMarketCap
|
Vũ Hạo