Vietstock - Thị trường nín thở chờ BoJ: Đà tăng điên rồ của đồng Yên liệu có tiếp diễn?
Những tuần gần đây, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vào đồng Yên Nhật Bản, đặt cược rằng lãi suất cuối cùng cũng sẽ nghiêng về phía có lợi cho xứ sở hoa anh đào. Kể từ ngày 11/07, đồng tiền này đã tăng khoảng 5% so với đồng USD, một phần nguyên nhân được cho là có sự can thiệp của giới chức Nhật Bản.
Tuy nhiên, đà tăng này có thể không kéo dài. Vào ngày thứ Tư tuần tới (31/07), các nhà đầu tư sẽ đối mặt với thời khắc quyết định khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố quyết định chính sách tiền tệ.
Nick Twidale, Chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm giao dịch đồng Yên tại ATFX Global Markets, nhận xét: "Đây là một đợt tăng giá điên rồ của đồng Yên. BoJ có thể làm hỏng bữa tiệc nếu không thắt chặt chính sách”.
Thực tế, thị trường đang đặt cược xác suất khoảng 45% BoJ sẽ tăng lãi suất 15 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới. Trong khi đó, chỉ có 30% các chuyên gia theo dõi BoJ được Bloomberg khảo sát dự báo sẽ có đợt tăng lãi suất.
Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Nếu BoJ không đáp ứng kỳ vọng của thị trường, điều gì sẽ xảy ra với đồng Yên?
Amir Anvarzadeh, Chiến lược gia tại Asymmetric Advisors với hơn 30 năm kinh nghiệm theo dõi thị trường Nhật Bản, cảnh báo: "Nếu BoJ không làm gì, tỷ giá đồng USD so với đồng Yên có thể tăng vọt trở lại."
Dữ liệu kinh tế gần đây của Nhật Bản cũng không mấy khả quan. Mặc dù khu vực dịch vụ có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7, nhưng hoạt động sản xuất vẫn đang suy giảm. Tiêu dùng yếu cũng đang gây áp lực lên quyết định của BoJ.
Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng đang chuẩn bị công bố quyết định chính sách tiền tệ của mình. Nếu Fed không có dấu hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 như kỳ vọng, đồng Yên có thể sẽ chịu áp lực giảm giá mạnh.
Charu Chanana, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Saxo Capital Markets, dự đoán: "Đồng Yên có thể thử thách mức 160 Yên/USD nếu Fed không báo hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và dữ liệu kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trở lại”.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều bi quan về triển vọng của đồng Yên. Nathan Swami, Trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Citigroup, nhận thấy nhu cầu đối với các quyền chọn mua đồng Yên sẽ tăng sau diễn biến tăng mạnh trong tuần này.
Dù vậy, ông cũng thận trọng lưu ý: "Vẫn còn quá sớm để nói liệu điều này có báo hiệu một sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư dài hạn hay không."
Trong bối cảnh đầy bất ổn này, các nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi quyết định của BoJ vào tuần tới. Liệu đợt tăng giá "điên rồ" của đồng Yên có tiếp tục, hay sẽ sụp đổ nhanh chóng? Câu trả lời sẽ sớm được hé lộ, và nó có thể định hình lại bức tranh tài chính toàn cầu trong những tháng tới.
Đáng chú ý là các nhà giao dịch đã bắt đầu cắt giảm đáng kể các đặt cược giảm giá đồng Yên trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), các nhà giao dịch phi thương mại - bao gồm quỹ phòng hộ, công ty quản lý tài sản và các nhà đầu tư đầu cơ khác - hiện chỉ nắm giữ khoảng 8.9 tỷ USD trong các vị thế đặt cược đồng Yên sẽ giảm giá. Con số này đã giảm đáng kể so với mức đỉnh gần 14 tỷ USD vào đầu tháng 7.
Rodrigo Catril, chuyên gia tại Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB), đưa ra một kịch bản thận trọng: "Nếu BoJ không đáp ứng kỳ vọng của thị trường, đồng Yên có thể suy yếu về mức 158".
Trong khi đó, các số liệu kinh tế mới nhất từ Tokyo cho thấy lạm phát tiêu dùng đã tăng tốc trong tháng thứ 3 liên tiếp. Điều này có thể tạo thêm áp lực lên BoJ trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo kéo dài nhiều năm qua.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)