17 công ty báo lỗ, ngành chứng khoán lộ rõ sự phân hóa
Vietstock - Tác động từ thuế quan thép nhôm 50% của ông Trump
Sau khi Tổng thống Trump quyết định nâng thuế thép nhôm lên 50%, giá của các kim loại này tại Mỹ đã tăng vọt, trong khi cổ phiếu các nhà sản xuất thép nước ngoài đồng loạt lao dốc.
* Ông Trump ký sắc lệnh tăng thuế quan thép và nhôm lên 50%
Động thái này được Trump công bố vào ngày 30/05 và có hiệu lực từ ngày 04/06, đánh dấu sự leo thang mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới (không tính EU) với 26.2 triệu tấn thép nhập khẩu trong năm 2024, theo số liệu từ Bộ Thương mại. Canada là nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, với 6.6 triệu tấn trong năm ngoái, tiếp đó là Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đang có những quan điểm khác nhau về khả năng thực thi. Một số chuyên gia ngành đặt câu hỏi liệu thuế quan có được áp dụng đúng như đã tuyên bố hay không, dựa trên những thay đổi thất thường của ông Trump trong quá khứ. Dù vậy, họ đều cho rằng sự bất ổn và giá kim loại tăng cao sẽ gây tổn hại đến hoạt động công nghiệp.
Nhà phân tích Eoin Dinsmore tại Goldman Sachs (NYSE:GS) cảnh báo: "Giá thép tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất mua ít thép hơn, càng làm giảm nhu cầu trong bối cảnh ngành sản xuất đã được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay".
Sau quyết định trên, mức phụ phí cho người mua nhôm tại Mỹ đã tăng vọt 54%, trong khi giá thép cuộn cán nóng của Mỹ tăng 7.4%. Không chỉ dừng lại ở đó, giá đồng cũng tăng mạnh khi các nhà giao dịch đặt cược rằng Trump sẽ áp đặt thuế quan nặng đối với loại kim loại quan trọng này trong ngành điện lực và xây dựng.
Châu Âu gánh chịu tác động nặng nề
Salzgitter - nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Đức - cảnh báo rằng chính sách thuế quan của Washington đang gây ra "đòn giáng nghiêm trọng" đối với ngành công nghiệp châu Âu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Mỹ chiếm khoảng 1/5 xuất khẩu thép của châu Âu.
Bastian Synagowitz tại Deutsche Bank nhận định: "Rủi ro đối với thị trường châu Âu cũng như các thị trường khu vực khác là một phần dòng chảy thương mại có thể bị định tuyến lại".
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng áp dụng toàn bộ mức thuế như đã công bố. Chelsea Ye, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu kim loại McCloskey, dự đoán: "Tôi nghĩ kết quả cuối cùng sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, đặc biệt là về thời gian áp dụng".
Ngành sản xuất Mỹ hoan nghênh, châu Á lo lắng
Trong khi các nhà sản xuất nhôm Mỹ hoan nghênh động thái này, cho rằng nó sẽ ngăn chặn làn sóng nhập khẩu, thì tình hình ở châu Á lại hoàn toàn ngược lại.
Mark Duffy, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Sơ cấp Mỹ, cho rằng: "Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất nước ngoài được trợ cấp đã bào mòn ngành sản xuất nhôm trong nước".
Sau thông tin trên, cổ phiếu Nucor, Cleveland-Cliffs và Steel Dynamics đều tăng vọt từ 11% đến 24% trong ngày 03/05.
Trong khi đó, các nhà sản xuất châu Á rơi vào tình cảnh ngược lại. Hàn Quốc - nhà xuất khẩu thép lớn thứ tư sang Mỹ năm ngoái sau Canada, Mexico và Brazil - đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc đã gặp gỡ các quan chức từ những "ông lớn" như POSCO và Hyundai Steel để bàn biện pháp ứng phó.
Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, cổ phiếu POSCO và Hyundai Steel cùng giảm 3%, trong khi SeAH Steel Corp thậm chí lao dốc tới 8%.
Một giám đốc ngành thép Hàn Quốc cho biết: "Thuế quan 50% sẽ gia tăng thêm thách thức đối với các nhà xuất khẩu thép Hàn Quốc. Đó sẽ là gánh nặng lớn nếu không có thêm sự tăng giá thép tại Mỹ".
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump sử dụng "vũ khí" thuế quan kim loại. Thuế quan thép và nhôm đã là một trong những biện pháp đầu tiên ông áp đặt khi trở lại nhiệm sở tháng 1, với mức 25% có hiệu lực từ ngày 12/03.
Hiện tại, các nước đang tích cực tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao. Hàn Quốc, với tư cách là đồng minh lớn của Mỹ, đã kêu gọi miễn thuế quan đối với thép, ô tô và các mặt hàng khác. Seoul đã cam kết xây dựng một gói thương mại trước khi thời hạn hoãn thuế 90 ngày của ông Trump kết thúc, tuy nhiên quá trình đàm phán gặp khó khăn do tình trình chính trị bất ổn trước cuộc bầu cử.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu rất nhiều nhôm tới thị trường Mỹ, cũng đang lo ngại. B.K. Bhatia, Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Khoáng sản Ấn Độ, cảnh báo: "Điều này sẽ có tác động bất lợi. Mỹ là thị trường lớn nhất cho nhôm Ấn Độ". Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ hy vọng: "Chính phủ đã đàm phán nên chúng tôi hy vọng qua các cuộc nói chuyện, thuế quan sẽ giảm xuống".
Vũ Hạo (Theo Reuters)