Vietstock - S&P 500 và Nasdaq Composite tăng nhẹ
Dow Jones đã khép lại phiên ngày thứ Năm (11/02) gần như đi ngang, khi động lực mạnh mẽ của thị trường vào đầu tháng 02/2021 bắt đầu mất đà, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones hạ 7.1 điểm từ mức cao kỷ lục xuống 31,430.70 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 nhích 0.2% lên mức đóng cửa cao kỷ lục 3,916.38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.4% lên 14,025.77 điểm, cũng ghi nhận mức kỷ lục mới.
Năng lượng là lĩnh vực có thành quả kém nhất, mất hơn 1%, trong khi sức mạnh của lĩnh vực công nghệ hỗ trợ đà tăng trên thị trường rộng hơn.
Sau đà tăng mạnh của chứng khoán vào đầu tháng 02/2021, thị trường dường như diễn biến chậm lại một chút. S&P 500 chỉ dao động 0.2% trong 3 phiên liên tiếp tuần này. Từ đầu tháng đến nay, chỉ số này đã vọt 5.4%.
Nhà đầu tư cũng tiếp nhận báo cáo thất nghiệp định kỳ hàng tuần xấu hơn dự báo. Cụ thể, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 793,000 người trong tuần trước ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 giảm, cao hơn so với dự báo 760,000 người thất nghiệp từ các chuyên gia kinh tế.
Thị trường đã leo lên các mức cao kỷ lục trong tháng này khi nhà đầu tư dự đoán rằng bất kỳ biện pháp viện trợ kinh tế bổ sung nào cũng sẽ giúp hỗ trợ thêm cho chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 4.3%, trong khi chỉ số Russell 2000 vọt hơn 15% khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có giá trị cao có lại được sự ưa thích với tâm lý lạc quan về việc tái mở cửa kinh tế.
“Có những lo ngại rằng sự kết hợp của việc tái mở cửa kinh tế và khả năng có gói kích thích trị giá 1.5 ngàn tỷ USD có thể gây ra tình trạng tăng giá quá mức, dẫn đến lợi suất trái phiếu dài hạn và lãi suất cao hơn”, Ross Mayfield, Chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, nhận định. “Sau đó, điều này trở thành một rào cản đối với thị trường chứng khoán”.
Thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến lên tới tổng cộng 2.3 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2021, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào mà nước Mỹ đã trải qua trước cuộc khủng hoảng Covid-19, Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết vào ngày thứ Năm. Tổng số thâm hụt này cũng không bao gồm 1.9 ngàn tỷ USD chi tiêu viện trợ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết vào ngày 10/02 rằng nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức trên thị trường lao động, và chính sách tiền tệ cần phải duy trì “chính sách thích ứng một cách kiên nhẫn”. Thị trường việc làm còn “một chặng đường dài” với đích đến, ông Powell chia sẻ.
An Trần