Vietstock - Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng cao bất thường
Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp tại Mỹ tiếp tục cắt giảm nhân viên ở quy mô lớn do các biện pháp hạn chế mới, qua đó làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường lao động.
Người dân xếp hàng nhận lương thực cứu trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 18/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này đã tăng vọt hơn 135.000 người, vượt xa dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Điều này làm dấy lên lo ngại về đợt suy thoái kinh tế mới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt.
Cụ thể, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần lễ kết thúc vào ngày 5/12 là 853.000 người, tăng 137.000 người so với tuần trước đó.
Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân viên ở quy mô lớn do các biện pháp hạn chế mới, qua đó làm chậm lại quá trình phục hồi của thị trường lao động.
Các dữ liệu mới cũng cho thấy trong tuần qua đã có thêm 139.000 người nộp hồ sơ xin trợ cấp theo Chương trình hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch.
Đối với tuần kết thúc vào ngày 21/11, tuần nghỉ lễ Tạ ơn, các số liệu cho thấy có 19 triệu người tiếp tục nhận được một số hình thức trợ cấp thất nghiệp - giảm 1,1 triệu người, bao gồm hai chương trình hỗ trợ khẩn cấp trong đại dịch.
Những chương trình này dành cho người lao động không được trợ cấp trong các cơ chế thông thường, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay nếu Quốc hội không gia hạn.
Trước đó, ngày 4/12, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy nước này chỉ tạo thêm 245.000 việc làm trong tháng 11, mức tăng thấp nhất kể từ khi thị trường lao động Mỹ bắt đầu phục hồi trong tháng 5.
Đây là một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi nền kinh tế Mỹ bị chững lại do số ca mắc bệnh COVID-19 gia tăng khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
Nước Mỹ đang phải chật vật ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 mới, khi số ca mắc đã vượt 15 triệu người trong ngày 8/12. Lệnh ở trong nhà mới đã bắt đầu có hiệu lực tại bang California vào đầu tuần này, ảnh hưởng đến khoảng 75% trong số gần 40 triệu cư dân tại bang đông dân nhất nước Mỹ này.
Các bang và chính quyền địa phương khác cũng áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch đối với các doanh nghiệp, điều mà các chuyên gia dự đoán sẽ dẫn tới một đợt sa thải mới trong mùa Đông này, đặc biệt khi nước Mỹ không thông qua gói cứu trợ kinh tế mới./.
Phương Oanh