Vietstock - Sau Jack Ma, đến lượt đại gia xe điện rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh
Ngành công nghiệp xe điện đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch Made in China 2025. Tuy nhiên, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với các công ty xe điện để phòng rủi ro.
Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường giám sát các rủi ro tài chính trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ vài ngày sau khi kìm hãm các tập đoàn fintech (công nghệ tài chính), Bắc Kinh bắt đầu chuyển mục tiêu sang ngành công nghiệp sản xuất xe năng lượng mới.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện áp khuyến khích người dân mua ôtô sử dụng năng lượng mới (NEV). Đây là các loại xe động cơ đốt trong, chủ yếu chạy bằng điện, thân thiện với môi trường. Đồng thời, những chính sách khắt khe với xe sử dụng nhiên liệu xăng dầu truyền thống khiến xe NEV ngày càng thịnh hành.
Tuy nhiên, trong thông tư công bố hôm 13/11 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các quan chức chính quyền cấp tỉnh điều tra việc xây dựng và sản xuất của những dự án NEV được các nhà quy hoạch quốc gia phê duyệt từ năm 2015.
Các quan chức Bắc Kinh tăng cường cảnh giác với ngành công nghiệp xe điện. Ảnh: Reuters.
|
Để mắt đến ngành công nghiệp xe điện
Giới quan sát nhận định cuộc điều tra nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp chủ chốt trong kế hoạch Made in China 2025. Kế hoạch thúc đẩy chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp nước này và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Động thái này chỉ diễn ra vài ngày sau khi các quan chức quyết định hoãn đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group - gã khổng lồ fintech được tỷ phú Jack Ma chống lưng. Nguyên nhân là Bắc Kinh muốn xem xét lại sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng và những hoạt động trên thị trường của các công ty fintech.
Hai đại gia xe điện China Evergrande và Baoneng Group cũng được nhắc đến trong thông tư. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) yêu cầu các chính quyền địa phương giám sát và thực thi việc sử dụng đất và kế hoạch đầu tư của những hãng xe điện này.
Thời gian gần đây, các nhà sản xuất NEV Trung Quốc gây bão thị trường vốn toàn cầu bằng một loạt đợt chào bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán Trung Quốc và Mỹ.
China Evergrande tham vọng đưa đơn vị xe điện vượt Tesla và thống trị thị trường toàn cầu. Ảnh: Reuters.
|
Đợt bùng nổ đưa những công ty mới như Nio, Xpeng và Li Auto vào nhóm 20 nhà sản xuất ôtô giá trị nhất, cùng với Tesla, Toyota và Audi. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự gia tăng thần tốc sẽ khiến các quan chức Bắc Kinh cảnh giác.
"Chính phủ cần thận trọng đối với các dự án NEV. Chúng liên quan đến khoản đầu tư hàng nghìn tỷ NDT và chuỗi cung ứng rộng lớn tạo ra hàng triệu việc làm", ông Cao Hua tại hãng quản lý tài sản Unity Asset Management nhận định.
Nâng cao cảnh giác
"Trung Quốc muốn nắm giữ vị trí dẫn đầu trong tương lai của ngành công nghiệp di chuyển. Đất nước và chính phủ không thể làm hỏng mục tiêu này", chuyên gia Cao nói thêm.
Nhà phát triển China Evergrande sở hữu 75% cổ phần của China Evergrande New Energy Vehicle Group. Đơn vị này chưa có lợi nhuận nhưng đang đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu xe ôtô/năm trong vòng 5 năm để vượt qua Tesla và thống trị thị trường toàn cầu.
Cùng với Evergrande là Baoneng Group, tập đoàn có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Tập đoàn sở hữu 63% cổ phần của nhà sản xuất ôtô Qoros. Baoneng đã ký các thỏa thuận với chính quyền địa phương để xây dựng sáu cơ sở sản xuất từ Hàng Châu, Côn Minh, Tây An, Quảng Châu, Côn Sơn đến Quý Dương.
"Họ là những tay chơi mới, có nguồn tài trợ dồi dào trong ngành công nghiệp NEV. Tuy nhiên, mối lo ngại về năng lực tài chính của các công ty này đối với những dự án xe năng lượng mới đang tăng lên. Điều đó sẽ khiến giới quan chức cảnh giác", nhà phân tích Gao Shen khẳng định.
Ngành công nghiệp NEV ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng rộng lớn tạo ra hàng triệu việc làm. Ảnh: Reuters.
|
Thông tư của NDRC cũng trích dẫn một số bài báo nêu bật những lo ngại đó. Trong số đó là bài viết trên cổng thông tin công nghệ Latepost được đăng tải hôm 23/11. Bài báo đặt câu hỏi về tình hình của nhà máy sản xuất ôtô Nansha của Evergrande tại tỉnh Quảng Đông khi công ty đang tìm cách huy động thêm tiền.
Hồi tháng 9, nhà sản xuất ôtô đã đề xuất huy động tới 3,99 tỷ USD (516,1 triệu USD) bằng cách bán cổ phần mới cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân.
Công ty cũng có kế hoạch gây quỹ thông qua bán cổ phiếu loại A trên Thị trường Ngôi sao của Thượng Hải. Mới đây, Evergrande còn thuê Haitong Securites đào tạo các giám đốc điều hành công ty về cách chuẩn bị hồ sơ niêm yết cổ phiếu.
Thảo Cao