Vietstock - Phe Trump muốn gửi phiếu đại cử tri 'tự xưng' tới quốc hội
Đồng minh của Trump lên kế hoạch gửi phiếu bầu của nhóm "đại cử tri thay thế" ở các bang chiến trường lên quốc hội để đảo ngược kết quả.
"Chúng tôi có thừa thời gian để sửa chữa kết quả cuộc bầu cử gian lận này và chứng nhận Donald Trump là người thắng", cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller tuyên bố trong cuộc phỏng vấn hôm 14/12 với Fox News. "Hôm nay, một nhóm đại cử tri thay thế ở các bang tranh chấp cũng bỏ phiếu và chúng tôi sẽ gửi kết quả đó lên quốc hội".
Tuyên bố được Miller đưa ra khi các đại cử tri trên khắp nước Mỹ hôm qua bỏ phiếu bầu tổng thống, với kết quả Joe Biden giành 302 phiếu, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Không đại cử tri nào "bất tuân" và bỏ phiếu trái với kết quả phiếu phổ thông của bang như kỳ vọng của Trump và các đồng minh.
Tuy nhiên, tuyên bố của Miller cho thấy Trump vẫn không từ bỏ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử và việc gửi phiếu bầu của nhóm "đại cử tri thay thế" tại các bang chiến trường là một phần trong kế hoạch đó.
"Điều này đảm bảo toàn bộ biện pháp pháp lý của chúng tôi vẫn tiếp tục. Nó cũng có nghĩa rằng nếu chúng tôi thắng những vụ kiện tại tòa án, chúng tôi có thể yêu cầu quốc hội công nhận các đại cử tri thay thế này", Miller nói.
Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller tại thủ đô Washington hôm 20/8. Ảnh: Reuters.
|
Chiến dịch Trump cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong các đơn kiện lên tòa án gần đây, cho hay họ đã "yêu cầu các đại cử tri của mình ký tên và gửi phiếu bầu tới Washington, nhằm đảm bảo lá phiếu của họ được tính" khi lưỡng viện quốc hội họp vào ngày 6/1. Họ tin rằng những lá phiếu "đại cử tri" này sẽ được quốc hội công nhận nếu có một phán quyết sau này đảo ngược kết quả bầu cử.
Quan chức Cộng hòa tại một số bang cũng xác nhận kế hoạch này, cho biết các đại cử tri ủng hộ Trump đã tự tổ chức họp và lập danh sách của riêng mình. Tại Michigan, giới chức đã phong tỏa tòa nhà nghị viện bang để ngăn các "đại cử tri tự xưng" này vào bỏ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia về luật bầu cử cho rằng các "đại cử tri thay thế" mà Miller đề cập chỉ là những "đại cử tri tự xưng" không được luật pháp thừa nhận và sẽ không ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Hệ thống bầu cử Mỹ không công nhận đồng thời đại cử tri chính thức và đại cử tri "thay thế".
Rick Hasen, chuyên gia về luật bầu cử Mỹ, cho biết lá phiếu đại cử tri chính thức chỉ có hiệu lực khi được thống đốc và quan chức phụ trách bầu cử bang ký tên, đóng dấu niêm phong để gửi tới quốc hội. Không có các yếu tố xác thực này, phiếu của nhóm "đại cử tri tự xưng" hoàn toàn vô nghĩa và việc gửi phiếu bầu của họ tới quốc hội cũng không ảnh hưởng kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
"Tuy nhiên, động thái này cho thấy chiến dịch tái tranh cử của Trump vẫn tiếp tục cố làm suy yếu nhiệm kỳ tổng thống của Biden và hệ thống bầu cử Mỹ", Hasen nhận định.
Loạt thượng nghị sĩ Cộng hòa hôm qua đã công nhận Biden thắng và Ủy ban Liên hiệp Quốc hội Mỹ về Lễ nhậm chức (JCCIC) cũng thông báo sẽ sớm lên kế hoạch cho lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn vốn thường mang tính tượng trưng và ít thu hút sự chú ý, nhưng năm nay đã trở nên quan trọng khi Tổng thống Trump quyết không nhận thua. Một nhóm nghị sĩ Cộng hòa, do nghị sĩ Mo Brooks dẫn dắt, cũng đang lên kế hoạch đảo ngược cuộc bầu cử bằng cách thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở quốc hội.
Ngọc Ánh