Vietstock - Đồng USD giảm hơn 10% từ đỉnh tháng 3 và sẽ còn giảm thêm?
Tuần này, chỉ số đồng USD rơi xuống mức yếu nhất hơn 2 năm qua và nhà đầu tư nghĩ đồng bạc xanh sẽ còn rớt thêm.
Quan điểm đồng nhất về đà suy yếu đồng USD được dựa lưng trên một giả định: Covid-19 ít nhiều sẽ còn hoành hành trong vài tháng tới. Các vắc-xin covid-19 sẽ cho phép nền kinh tế toàn cầu trở lại bình thường trong năm 2021, khuyến khích nhà đầu tư rút khỏi các kênh tài sản an toàn tại Mỹ và đầu tư vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ bên ngoài nước Mỹ.
So với các đồng tiền chủ chốt khác, đồng USD đang ở mức yếu nhất trong hơn 2 năm qua. Nhà đầu tư và chuyên gia nghĩ đồng tiền này sẽ còn giảm thêm. Câu hỏi duy nhất dường như chỉ là giảm thêm bao nhiêu và nhịp độ ra sao.
Đà giảm của đồng USD diễn ra giữa lúc nhà đầu tư cực kỳ hưng phấn trên thị trường chứng khoán Mỹ - vốn thể hiện qua việc Dow Jones cán mốc 30,000 điểm lần đầu tiên trong ngày 24/11. Đồng USD yếu có thể giúp các công ty có hoạt động lớn ở nước ngoài, vì lợi nhuận bằng ngoại tệ sẽ đáng giá hơn khi đổi sang đồng bạc xanh.
Chỉ số đồng USD – vốn đo lường giá trị đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – rớt ngưỡng 92 trong tuần này, thấp nhất kể từ năm 2018, theo FactSet. So với mức đỉnh tháng 3/2020, đồng tiền này đã giảm hơn 10.5%.
Một bài bình luận từ các chiến lược gia thị trường tại Citigroup gần đây dự báo đồng USD có thể rơi thêm 20% trong năm 2021, khi nhà đầu tư nước ngoài tiến hành phòng ngừa sự biến động về tiền tệ đối với danh mục tài sản Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs dự báo USD giảm 6% trong 12 tháng tới; ING dự báo USD giảm tới 10%.
“Đồng USD dường như đang bị định giá cao đáng kể và nhà đầu tư đang đặt tỷ trọng cao cho tài sản tại Mỹ”, Christian Mueller-Glissmann, Chiến lược gia tại Goldman Sachs, nhận định. Mức định giá cao đối với chứng khoán Mỹ, lãi suất không bắt kịp với lạm phát và đà hồi phục của kinh tế toàn cầu có thể gây áp lực lên đồng USD, ông nói.
Lịch sử đầy rẫy những ví dụ cho thấy đồng USD gây kinh ngạc cho nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư nhận thấy tình hình hiện tại tương tự với đầu thập niên 2000 – thời điểm Mỹ có thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai cao và lúc đó, nhà đầu tư rút khỏi chứng khoán Mỹ và chuyển sang thị trường toàn cầu. Chỉ số đồng USD giảm gần 20% trong năm 2002.
Trong năm 2008, nhiều người dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu với Euro, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm đó lại đập tan kỳ vọng đó khi đồng USD chuyển từ giảm sang tăng mạnh từ tháng 7/2009. Các đồng tiền rất khó dự đoán vì diễn biến giá của chúng là kết quả của nhiều yếu tố có ảnh hưởng tới dòng vốn, như dòng chảy thương mại và đầu tư, lãi suất và tăng trưởng tương đối và lạm phát.
“Dự báo ngoại hối là một dạng chuyên biệt của chiêm tinh thị trường tài chính mà tôi vẫn cảnh giác”, David Riley, Giám đốc chiến lược đầu tư tại BlueBay Asset Management, nhận định.
Năm nay, đồng USD tăng mạnh trong giai đoạn đầu của cuộc hoảng loạn vì đại dịch Covid-19, nhưng rồi quay đầu giảm sau khi Fed bơm tiền ra thị trường thông qua hàng loạt cơ chế để hỗ trợ trái phiếu và tín dụng doanh nghiệp tại Mỹ và thông qua thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác. Cú trượt dốc của đồng USD tiếp diễn với quyết định tái mở cửa các nền kinh tế trong mùa hè.
Động thái nới lỏng tiền tệ hết mức của Fed đã thôi thúc nhà đầu tư trở lại thị trường chứng khoán, nhưng hầu hết đều mua cổ phiếu tăng trưởng và phòng thủ.
Những gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Mỹ và những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư đều hưởng lợi.
Nhiều người tin rằng nhà đầu tư sẽ mua tài sản rủi ro cao hơn và bị định giá thấp khi các nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
“Thanh khoản USD dư thừa từ Fed vẫn còn đang trong hệ thống”, Salman Ahmed, Trưởng bộ phận vĩ mô tại Fidelity International, cho hay. “Một khi tình hình cải thiện và lạm phát trở lại, thanh khoản có thể trở lại các tài sản có rủi ro cao hơn”.
Nhà đầu tư đang rót vốn mạnh vào thị trường Mỹ, nhưng mọi thứ có thể đảo ngược nếu các nền kinh tế ở những nơi khác hồi phục. Các nhà quản lý quỹ đã đầu tư phần lớn tiền vào tài sản của Mỹ, theo khảo sát của Bank of America Merrill Lynch và Reuters.
Câu chuyện hấp dẫn hiện tại là các vắc-xin được thử nghiệm thành công, cùng với kỳ vọng chính sách thương mại ít thù địch hơn từ ông Joe Biden, sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và biến phần còn lại của thế giới trở nên hấp dẫn. Trong kịch bản đó, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ bán tài sản Mỹ và mua tài sản ở các quốc gia khác – điều này cũng có nghĩa là bán đồng USD, qua đó càng củng cố cho đà giảm.
Không phải ai cũng tin vào quan điểm nhà đầu tư sẽ rút khỏi Mỹ và kéo giảm đồng USD. Francesca Fornasari, Trưởng bộ phận giải pháp tiền tệ tại Insight Investment – vốn là một phần của Bank of New York Mellon, cho biết bà nghĩ đồng USD có thể suy yếu nhưng tin rằng các đồng tiền nhìn chung sẽ biến động mạnh hơn.
Mặc dù lãi suất đang kẹt ở mức rất thấp ở hầu hết thị trường phát triển, nhưng những đồng tiền sẽ là tia hy vọng chính để làm thay đổi cái nhìn của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế tương đối của các quốc gia.
“Không rõ là liệu có một ‘người chiến thắng’ rõ ràng trong số các nền kinh tế hay không”, bà nói. “Đồng USD rất nhạy cảm với sự thay đổi kỳ vọng tăng trưởng ở các quốc gia khác nhau”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)