Vietstock - Những "vết nứt" trong bong bóng ngành xa xỉ phẩm châu Âu dần lộ diện
Cổ phiếu của tập đoàn kinh doanh xa xỉ phẩm như LVMH, Kering giảm mạnh khi doanh số bán hàng của thương hiệu Gucci, Burberry và Hugo Boss đình trệ.
Một cửa hàng Louis Vuitton của tập đoàn LVMH (EPA:LVMH) ở Paris, Pháp. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
|
Cổ phiếu của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất châu Âu theo giá trị thị trường, đã chịu áp lực giảm bởi doanh số bán sụt mạnh, kéo theo sự xuống dốc của các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn khu vực.
Cổ phiếu của tập đoàn kinh doanh xa xỉ phẩm khác là Kering cũng giảm mạnh khi doanh số bán hàng của thương hiệu Gucci đình trệ.
Trong khi đó, doanh số bán của các nhãn hàng xa xỉ khác như Burberry của Anh và Hugo Boss của Đức cũng đồng loạt lao dốc. Điều này cho thấy ngành xa xỉ phẩm của châu Âu đang gặp rắc rối.
Những nguyên do hiện hữu
Một phần trong số các nguyên nhân dẫn tới kết quả trên là nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại và thu nhập của người dân trên toàn châu Âu giảm. Tuy nhiên, ngành xa xỉ phẩm phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều: từ việc các thương hiệu giảm sức hút cho đến sức sáng tạo cạn dần.
Trên thực tế, bong bóng ngành hàng xa xỉ đang vỡ và nó sẽ đi vào một quá trình suy giảm dài, chậm và đau đớn trong vài năm tới.
Châu Âu có thể đã để mất khả năng cạnh tranh về công nghệ và các "ông lớn" trong lĩnh vực chế tạo của họ đã bị tổn thương nặng nề bởi chi phí năng lượng cao và các điều luật lao động thắt chặt.
Tuy nhiên, "lục địa Già" vẫn có một thế mạnh không thể phủ nhận: hàng xa xỉ. Cho dù đó là túi xách cao cấp, bộ đồ cắt may hoàn hảo hay đồng hồ đắt tiền, châu Âu sở hữu một loạt công ty xa xỉ hàng đầu thế giới.
Tập đoàn LVMH của tỷ phú Bernard Arnault được so sánh như "Apple (NASDAQ:AAPL)" của châu Âu về khả năng đáng gờm trong việc tạo ra lợi nhuận cao phi thường. Thành tích của tập đoàn xa xỉ này đã đưa nhà sáng lập Bernard Arnault trở thành người giàu nhất thế giới trong một thời gian.
Có rất nhiều tập đoàn xa xỉ phẩm khác cũng thành công như vậy và chính họ đã tạo động lực cho các thị trường chứng khoán châu Âu.
Việc Paris vượt qua London trở thành sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu phần lớn là do cổ phiếu của LVMH, với giá trị thị trường đạt khoảng 400 tỷ euro (338 tỷ bảng Anh), ở thời kỳ đỉnh cao, trong khi các công ty thời trang và mỹ phẩm xa xỉ khác là Hermes và L’Oreal cũng không thua kém.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, những "vết nứt" trong ngành hàng xa xỉ đã trở nên quá rõ ràng đến mức không thể bỏ qua.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của LVMH, được công bố vào tuần trước, đã không đáp ứng được kỳ vọng về doanh số bán hàng tại Trung Quốc với mức giảm 14%. Cổ phiếu của tập đoàn bị ảnh hưởng mạnh và giảm 20% trong cả năm qua.
Tương tự, cổ phiếu của Kering đã lao dốc sau khi báo cáo doanh số bán giảm mạnh, với các thương hiệu danh tiếng như Gucci, Bottega Veneta và Yves Saint Laurent đều giảm đáng kể.
Tại Anh, Burberry ghi nhận lợi nhuận giảm 40% vào tháng trước, trong khi ở Đức, Hugo Boss báo cáo lợi nhuận giảm 42%. Có một vài điểm sáng trong ngành này như hãng Richemont của Thụy Sỹ, sở hữu thương hiệu xa xỉ phẩm Cartier và Van Cleef & Arpels. Nhưng nhìn chung, lĩnh vực này đang phải đối mặt với một sự điều chỉnh tàn khốc, với doanh số và lợi nhuận đồng loạt giảm.
Đúng là các công ty có thể giải thích điều đó chỉ là một "cú sốc chu kỳ" và khẳng định họ sẽ phục hồi nhanh chóng, song doanh số giảm ở Trung Quốc đang được cho là nhân tố chính dẫn tới kết quả này, giữa bối cảnh nền kinh tế trì trệ kiềm chế chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp.
Tuy nhiên, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể được phóng đại, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang tăng trưởng 4,7% mỗi năm, khó có thể được gọi là suy thoái sâu.
Thách thức tiềm ẩn
Trên thực tế, có những thách thức lớn hơn mà các "ông lớn" ngành xa xỉ châu Âu phải đối mặt không chỉ là doanh số bán chậm lại ở phương Đông.
Các thương hiệu xa xỉ thường có tuổi đời 50-100 năm và sự sáng tạo của họ đang dần cạn kiệt. Mặc dù họ đã làm rất tốt trong việc làm mới thương hiệu và các sản phẩm trong nhiều thập kỷ, nhưng việc giữ cho chúng luôn phù hợp ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Thương hiệu thời trang Burberry tại cửa hàng ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Thêm vào đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu cao cấp địa phương của châu Á cũng là mối đe dọa cho ngành xa xỉ châu Âu.
Châu Âu có thể có lịch sử trong ngành này nhưng họ không thể mong đợi việc duy trì sự thống trị đối với hàng xa xỉ giống như đối với ôtô hay dược phẩm hoặc bất kỳ ngành công nghiệp lớn nào khác.
Tạp chí thời trang Vogue mới đây đã nêu bật bảy "ngôi sao" đang lên của ngành thời trang Trung Quốc, đồng thời dự báo sẽ còn nhiều tên tuổi đáng chú ý như vậy ở Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Thật khó để những nhà thiết kế đã qua đời cách đây 50 năm hoặc lâu hơn sẽ "giữ chân" người tiêu dùng cao cấp mãi mãi. Sớm muộn gì họ cũng có thể bị loại bỏ bởi các thương hiệu mới. Đó có thể là một lời giải thích thuyết phục hơn cho việc doanh số bán hàng xa xỉ giảm ở Trung Quốc.
Các công ty ôtô phương Tây đang bị thay thế bởi các đối thủ trong nước trên thị trường Trung Quốc và các nhà sản xuất túi xách có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Sự bùng nổ của ngành xa xỉ phẩm là một "cú hích" tuyệt vời cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán châu Âu, tạo ra một lượng lớn tài sản cho các tập đoàn hàng đầu, nhà đầu tư và cho nền kinh tế khu vực.
Nhiều năm nay, sự phát triển của ngành này dựa trên nguyên tắc rằng người tiêu dùng Trung Quốc và Trung Đông có một sự ham muốn không thể kìm hãm đối với túi xách, trang sức và đồng hồ có giá trị lớn. Tuy vậy, mô hình kinh doanh này đang chịu nhiều áp lực hơn so với nhiều năm trước.
Trên thực tế, bong bóng ngành xa xỉ phẩm đã vỡ và nó sẽ không phục hồi sớm, thậm chí là sẽ không bao giờ phục hồi.
Minh Trang