Vietstock - Năm điều về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm ngạc nhiên nhà đầu tư
Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã có những tranh cãi về thương mại trong nhiều tháng qua, “ăn miếng trả miếng” bằng các mức thuế quan dành cho nhau và liên tục gây sợ hãi cho nhà đầu tư về viễn cảnh của một cuộc chiến thương mại toàn diện. Tuy nhiên, theo Capital Economics, hậu quả về mặt kinh tế vĩ mô từ sự xấu đi của các mối quan hệ thương mại có thể không nghiêm trọng như thế.
Trong tiến triển gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói Trung Quốc có thể đối mặt với một đợt thuế quan nữa trị giá 267 tỷ USD, trong khi Trung Quốc được cho là đang tìm kiếm sự cho phép từ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để áp đặt các lệnh trừng phạt dành cho Mỹ, như một phần của cuộc tranh chấp riêng giữa hai bên. Trung Quốc cũng đã trả đũa các động thái về thuế quan của ông Trump.
Và dù các nhà đầu tư đang lo ngại về những hậu quả có thể gây ảnh hưởng đến các công ty, toàn bộ các lĩnh vực như điện tử hoặc nông nghiệp và những quốc gia khác bị mắc kẹt giữa cuộc chiến này, nhưng theo chuyên gia kinh tế toàn cầu Andrew Kenningham, các tác động kinh tế vĩ mô đối với Mỹ và Trung Quốc dường như là hạn chế.
Ông đưa ra 5 lý do tại sao.
Thứ nhất, miễn là "chính sách tài khóa không bị thắt chặt, thuế quan không hẳn sẽ làm giảm tổng cầu", ông Kenningham viết, đồng thời nói thêm rằng nó có thể chuyển hướng dòng chảy thương mại sang các nước khác để đáp ứng với thuế thay vì loại bỏ nhu cầu.
Thứ hai, khối lượng giao dịch toàn cầu có thể không chỉ trở nên yếu hơn. "Độ co giãn của nhu cầu đối với hầu hết hàng xuất khẩu của Trung Quốc là khá thấp, và nhiều hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc có thể được chuyển hướng", Kenningham nói. Ngoài ra, một số lượng lớn lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã được bù đắp, ít nhất là một phần, bởi Nhân dân tệ yếu hơn USD. Thật vậy, cặp USD - Nhân dân tệ tăng hơn 5.5% từ đầu năm 2018 đến nay và khoảng 7.5% trong 12 tháng qua, theo FactSet.
Thứ ba, xuất khẩu không chiếm phần lớn GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của hai quốc gia này. Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều dựa vào thương mại, nhưng họ là “nền kinh tế khá khép kín”, như lời của Kenningham. Năm ngoái, xuất khẩu chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc, giảm so với mức 36% trong năm 2006, ông trích dẫn. Đối với Mỹ, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, như được hiển thị trong biểu đồ bên dưới, với xuất khẩu chỉ chiếm 12% GDP.
Nguồn: Capital Economics
|
Thứ tư, thương mại song phương giữa hai nước đóng góp một lượng thậm chí còn nhỏ hơn cho GDP. Đối với Trung Quốc, giao thương với Mỹ đóng góp khoảng 2.5% vào GDP, trong khi ở chiều ngược lại chỉ có 1% cho Mỹ.
"Nếu khối lượng giao thương này giảm 20% - nhiều hơn chúng tôi mong đợi – thì ảnh hưởng trực tiếp đến GDP của họ sẽ là 0.5% hoặc 0.2%”, Kenningham lập luận. Hầu như không thể là lý do cho sự hoảng loạn!
Thứ năm, cả lạm phát của Mỹ lẫn Trung Quốc đều không bị ảnh hưởng nhiều bởi tất cả những điều trên. Và khi giá tiêu dùng là thước đo quan trọng cho các ngân hàng trung ương, điều đó đồng nghĩa chính sách tiền tệ cũng ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến thương mại.
“Có thể dường như là phản trực giác khi cho rằng một cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới sẽ chỉ có tác động nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dù Trung Quốc và Mỹ hiện chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới, nhưng thương mại song phương giữa họ chỉ chiếm 3.2%", Kenningham phân tích, đồng thời nói thêm rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ phải lan rộng ra ngoài thương mại Mỹ -Trung để tác động đến tăng trưởng GDP toàn cầu.
Nguồn: Capital Economics
|
Điều đó có thể giải thích lý do tại sao ít nhất là các nhà đầu tư Mỹ, dù thỉnh thoảng có phản ứng tự nhiên đối với các tiêu đề liên quan đến thương mại hoặc những dòng tweet của Tổng thống Mỹ, nhưng phần lớn vẫn giữ nỗi sợ về thương ở mức ưu tiên thấp. Chỉ số S&P đã quay trở lại vùng kỷ lục trong tháng 8 và tăng hơn 8% trong năm nay, trong khi chỉ số công nghiệp Dow tăng 5.2%.
Tuy nhiên, các cổ phiếu Trung Quốc đã phải hứng chịu hậu quả, cùng với các thị trường mới nổi và các cổ phiếu toàn cầu khác ngoài Mỹ nói chung. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, trong đó có 50 công ty đến từ Trung Quốc đại lục, đã rơi vào “thị trường con gấu” vào hôm thứ Ba vừa qua, khi kết thúc ngày giao dịch với mức giảm hơn 20% so với mức cao nhất ngày 26/01.
Chỉ số Shanghai Composite đã rơi vào vùng thị trường giá giảm trong tháng 6, trong khi chỉ số thị trường mới nổi MSCI, được iShares MSCI Emerging Markets (NYSE:EEM) theo dõi, đã rơi vào vùng thị trường giá giảm trong tuần trước.
Nhã Thanh (Theo Marketwatch)