Vietstock - Một doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu bằng USD
Tsinghua Unigroup cho biết sẽ không thể thanh toán nợ đối với 450 triệu USD trái phiếu định danh bằng USD đến hạn trong ngày 10/12. Chưa dừng lại ở đó, vụ vỡ nợ của Tsinghua Unigroup còn kích hoạt điều khoản vi phạm chéo (cross defaults) đối với 2 tỷ USD trái phiếu khác.
Vi phạm chéo là một điều khoản nằm trong khế ước trái phiếu hoặc hợp đồng cho vay và xảy ra khi người đi vay vỡ nợ tại một hợp đồng vay khác. Việc vỡ nợ xảy ra thường là vì người đi vay không thanh toán lãi và vốn gốc đúng hẹn, hay đã vi phạm những điều khoản thỏa thuận như giao ước không được phép làm hay giao ước chấp hành. |
Các trái phiếu khác bị kích hoạt điều khoản vi phạm chéo bao gồm 1.05 tỷ USD trái phiếu đến hạn vào năm 2021, 750 triệu USD trái phiếu đến hạn vào năm 2023 và 200 triệu USD trái phiếu đến hạn vào năm 2028, Tsinghua Unigroup cho biết trong hồ sơ gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào cuối ngày 09/12. Đây sẽ là đợt vỡ nợ trái phiếu bằng USD đầu tiên của nhà sản xuất chip Trung Quốc này.
Trước đó, Tsinghua Unigroup đã vỡ nợ đối với 1.3 tỷ USD (199 triệu USD) trái phiếu nội địa vào giữa tháng 11/2020. Hoạt động giao dịch 450 triệu USD trái phiếu này sẽ tạm ngưng cho đến khi có thông báo mới, theo hồ sơ pháp lý gửi lên sở.
Vụ vỡ nợ trái phiếu của hãng sản xuất chip này nối tiếp hàng loạt vụ vỡ nợ khác của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc, bao gồm Yongcheng Coal & Electricity Holding Group và Brilliance Auto Group Holdings.
Các ông lớn Nhà nước khác như Peking University Founder Group, Tewoo Group và Qinghai Provincial Investment Group cũng tuyên bố không thể trả nợ và bước vào quá trình tái cấu trúc theo quyết định của tòa án trong năm 2019.
Tình trạng vỡ nợ gần đây cũng gây chấn động thị trường tín dụng nội địa. Các vụ vỡ nợ gần đây của các doanh nghiệp Nhà nước thể hiện một sự thay đổi so với 2 năm trước, khi những vụ vỡ nợ hầu hết đều là các công ty tư nhân.
Sau thông tin trên, trái phiếu bằng USD đến hạn vào năm 2023 của Tsinghua Unigroup chứng kiến đợt giảm mạnh nhất kể từ ngày 17/11.
“Chúng ta sẽ thấy rủi ro tái cấp vốn và rủi ro tái định giá ngày càng tăng đối với cá công ty Nhà nước có tình hình tài chính yếu, qua đó dẫn tới tỷ lệ vỡ nợ cao hơn”, Andrew Chan, Chuyên viên phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho hay. “Khó có khả năng Chính phủ ra tay cứu trợ, khi Trung Quốc hướng tới tái cấu trúc, hợp nhất và loại trừ các công ty Nhà nước hoạt động như xác sống (zombie) trừ khi xuất hiện rủi ro lan truyền ra cả hệ thống (systemic risk)”.
Trước đó, Tsinghua Unigroup cảnh báo rằng họ có thể cũng không thể trả khoản lãi vay đối với 5 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đến hạn vào ngày 10/12. Tình hình tài chính của Unigroup tệ đi hẳn trong 3 năm qua sau khi vay nợ quá nhiều để tài trợ cho các đợt thâu tóm và các khoản đầu tư khác với mục tiêu nâng tầm vị thế trong ngành chip điện tử.
Được thành lập trong năm 1988, Tsinghua Unigroup là cánh tay kinh doanh của Đại học Tsinghua – trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình là cựu sinh viên của trường này. Khoản lỗ ròng của công ty đã tăng lên 3.38 tỷ Nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay, từ mức 3.2 tỷ hân dân tệ của cùng kỳ, theo báo cáo tài chính giữa niên độ mới nhất của công ty.
“Sự kiện vỡ nợ kế tiếp cần phải theo dõi có thể đến từ công ty mẹ Tsinghua Holdings. Tuy vậy, hiện trái phiếu của các công ty này đã được giao dịch ở mức rất thấp, nên có vẻ như trường hợp vỡ nợ đã được phản ánh vào giá”, Chan cho biết. “Sự kiện này sẽ làm dấy lên lo ngại về thị trường trái phiếu trong nước và sau đó lan sang thị trường quốc tế”.
Trong ngày thứ Hai (07/12), một nhân viên cấp cao của Tsinghua Unigroup cho biết trong cuộc gặp với các chủ nợ rằng các quan chức Chính phủ và công ty mẹ Tsinghua Holdings đang bàn cách để giải quyết núi nợ chồng chất này, dựa trên nguồn tin thân cận. Các quan chức hy vọng sẽ có kế hoạch chi tiết trong ngắn hạn, trong đó nhiều khả năng sẽ huy động vốn mới hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới.
* Gói hỗ trợ kinh tế và nguy cơ 'xác sống' thế hệ mới
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)