Vietstock - Làn sóng tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc: Khối ngoại bán tháo 188 tỷ USD
Các quỹ đầu tư đang tháo chạy thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, qua đó làm giảm tầm ảnh hưởng của thị trường chứng khoán tỷ dân tới danh mục toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh quá trình tách rời Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Tính tới cuối tháng 6/2023, lượng cổ phiếu và trái phiếu thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm khoảng 1.37 ngàn tỷ Nhân dân tệ (188 tỷ USD), tương đương giảm 17% so với mức đỉnh xác lập vào tháng 12/2021, theo tính toán của Bloomberg. Đó là chưa kể tới lượng bán ròng kỷ lục 12 tỷ USD của khối ngoại chỉ trong tháng 8/2023.
Sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc
|
Làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ngay khi kinh tế Trung Quốc suy yếu sau nhiều năm chống chọi với dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng bất động sản và căng thẳng ngày càng leo thang với phương Tây. Thậm chí “né tránh Trung Quốc” trở thành một trong những lý do được nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất trong cuộc khảo sát gần đây của Bank of America.
Tỷ lệ tham gia của quỹ nước ngoài ở chứng khoán Hồng Kông đã giảm hơn 1/3 kể từ cuối năm 2020.
“Khối ngoại đang giơ tay đầu hàng”, Zhikai Chen, Trưởng bộ phận cổ phiếu châu Á và thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management, chia sẻ. Họ quá lo ngại về thị trường bất động sản cùng với sự suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng. “Chính sự thất vọng đã khiến nhà đầu tư nước ngoài phải đánh giá lại tỷ trọng hợp lý dành cho Trung Quốc”.
Sự suy yếu của chứng khoán Trung Quốc từng là lý do kéo tụt thị trường thế giới, nhất là nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, năm nay thì khác.
Chỉ số MSCI Trung Quốc hiện giảm 7% so với đầu năm và có thể ghi nhận năm giảm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi tăng 3% khi nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận của các thị trường như Ấn Độ và các quốc gia Mỹ Latinh.
Tình cảnh trái ngươc giữa Trung Quốc và thị trường mới nổi
|
"Tránh Trung Quốc" là chủ đề được quan tâm
Nhà đầu tư dần rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ ngày càng leo thang căng thẳng. Bên cạnh sự phân tách về kinh tế, một lý do khác là cú sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy nhiều thị trường, từ Mỹ cho tới Đài Loan, trong khi cổ phiếu Trung Quốc không tăng nhiều lắm. Tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi đã giảm xuống 27%, từ mức hơn 30% tại cuối năm 2021.
Cùng lúc đó, chủ đề “tránh Trung Quốc” đang ngày càng được ủng hộ nhiều hơn. Nhiều tổ chức đã cho ra mắt các quỹ đầu tư nhắm vào thị trường mới nổi nhưng trừ Trung Quốc.
“Rủi ro từ Trung Quốc đến từ nhiều yếu tố: Khoản nợ khổng lồ của các phương tiện huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV), tình trạng dư cung nhà ở, dân số già hóa, tỷ lệ phụ thuộc, việc hay thay đổi quy định và sự cô lập về địa chính trị”, Gaurav Pantankar, Giám đốc đầu tư tại MercedCERA - vốn đang quản lý khoảng 1.1 tỷ USD tài sản ở Mỹ, chia sẻ. “Các cơ hội đầu tư đang đầy rẫy ở các thị trường mới nổi khác”.
Bán ròng 26 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Trung Quốc
Với thị trường trái phiếu, nhà đầu tư toàn cầu đã rút khoảng 26 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kể từ đầu năm 2023, nhưng lại rót ròng 62 tỷ USD vào trái phiếu ở các quốc gia còn lại của thị trường mới nổi, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.
Theo phân tích của JPMorgan Chase, kể từ khi Trung Quốc được thêm vào các chỉ số trái phiếu Chính phủ vào năm 2019, khoảng 250-300 tỷ USD đã chảy vào các chỉ số này. Tuy nhiên, đến nay một nửa lượng vốn này đã tháo chạy.
Áp lực bán tháo đã đẩy đồng Nhân dân tệ xuống đáy 16 năm so với USD. Lập trường nới lỏng chính sách của NHTW Trung Quốc (trong khi các quốc gia lớn đang thắt chặt) càng làm suy yếu đồng Nhân dân tệ và mang lại thêm một lý do để khối ngoại bán tháo tài sản Trung Quốc.
Xét về hiệu suất của trái phiếu doanh nghiệp, Trung Quốc dường như đã tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của châu Á khi cuộc khủng hoảng bất động sản bước sang năm thứ 4. Thị trường dường như nằm trong tay các nhà đầu tư nội địa, với tỷ lệ gần 85-90%.
Tất cả điều này diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với quá nhiều thách thức và nhà đầu tư không còn nghĩ đây là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Các ngân hàng Phố Wall hoài nghi liệu Trung Quốc có thể tăng trưởng 5% trong năm nay hay không.
Tuy nhiên, quy mô khổng lồ của kinh tế Trung Quốc và vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng sản xuất khiến đất nước tỷ dân vẫn là một phần quan trọng trong danh mục của nhiều nhà đầu tư, dù thấp hơn.
Một kênh mà Trung Quốc vẫn có thể tác động đến thị trường tài chính quốc tế là thông qua hàng hóa được giao dịch toàn cầu. Là quốc gia nhập khẩu năng lượng, kim loại và thực phẩm lớn nhất, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vượt ra ngoài danh mục đầu tư chứng khoán, tạo ra mối quan hệ bền vững hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Vị trí dẫn đầu thế giới của quốc gia này về năng lượng sạch, từ tấm pin mặt trời đến xe điện, là một ví dụ về tiềm năng mở rộng thương mại khi thế giới cố gắng đáp ứng các nghĩa vụ về khí hậu.
Karine Hirn, Đối tác tại East Capital Asset Management, cho biết: “Không phải lĩnh vực nào cũng suy yếu. Chúng tôi nhận thấy giá trị tốt trong các lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng về cơ cấu, chẳng hạn như xe sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực liên quan đến người tiêu dùng và các lĩnh vực thuộc chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.”
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)