Vietstock - Lạm phát tăng cao, vì sao ECB vẫn chần chừ nâng lãi suất?
Bất chấp tỷ lệ lạm phát đạt mức cao kỷ lục tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục giữ quan điểm thận trọng trong việc nâng lãi suất. Đâu là lý do dẫn đến quyết định này của ECB?
ECB tiếp tục giữ quan điểm thận trọng
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 14-4, ECB đã quyết định giữ nguyên lập trường chính sách của mình khi tiếp tục kế hoạch giảm dần chính sách kích thích kinh tế thời đại dịch, trong bối cảnh sự quan ngại về tình trạng lạm phát cao kỷ lục đã lấn át những lo ngại về khả năng suy thoái liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Xác nhận lại đường hướng chính sách trước đó, ECB cho biết dự định sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE), trong quí hiện tại, sau đó tiến đến chấm dứt chương trình này vào quí 3.
Tuy nhiên, ECB sẽ chỉ nâng lãi suất sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc và sẽ tiến hành việc này một cách chậm rãi. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tiếp sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết việc nâng lãi suất có thể diễn ra “vài tuần hay thậm chí là vài tháng” sau khi chương trình mua trái phiếu khép lại.
Trên thị trường tiền tệ, sau khi quyết định của ECB được công bố, euro đã giảm 1% so với đô la Mỹ, giao dịch ở dưới mức 1,08 đô la Mỹ đổi 1 euro – mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn ngắn của Đức tăng giá, trong khi các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn bị bán tháo.
Rohan Khanna, chiến lược gia về lãi suất tại UBS cho biết “nếu chương trình QE vẫn kéo dài đến đầu quí 3, khoảng tháng 7, thì sẽ không thể có việc nâng lãi suất trước tháng 9. Điều này sẽ làm giảm khả năng ECB nâng lãi suất nhiều lần trong năm nay”.
Jennifer Lee, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets lưu ý rằng, “một lộ trình hình thường hóa lãi suất kéo dài của ECB sẽ làm tăng khả năng phân hóa tỷ giá ngắn hạn giữa đồng euro và các loại tiền tệ khác. Đồng euro có thể giảm sâu hơn so với đô la Mỹ nếu Fed thực hiện đúng kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của mình trong vài tháng tới”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ECB có nhiều lý do để tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng như vậy.
Lạm phát tại châu Âu không giống như ở Mỹ
Cũng như Mỹ, châu Âu hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, cao hơn mức mục tiêu 2% của ECB. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa vấn đề của hai nền kinh tế chính là tính chất của lạm phát.
Tại Mỹ, một trong những động lực quan trọng dẫn đến lạm phát là yếu tố nội tại – tác dụng phụ từ chương trình kích thích kinh tế khổng lồ mà chính phủ liên bang triển khai trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Kể từ năm ngoái đến nay, sự gia tăng lạm phát mạnh mẽ đã nhanh chóng bao trùm trên một phạm vi rộng lớn, với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, và là nguyên nhân chính khiến Fed phải quyết định nâng lãi suất.
Trong khi đó, tại Eurozone, động lực chủ yếu thúc đẩy lạm phát lại đến từ bên ngoài, một yếu tố nằm ngoài tầm với của ngân hàng trung ương. Cuộc xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá năng lượng và lương thực thực phẩm liên tục leo thang, đẩy tỷ lệ lạm phát tại châu Âu trong tháng 3 lên mức cao kỷ lục 7,5%.
Vậy trong trường hợp này, liệu việc nâng lãi suất có thể giúp ECB kiểm soát tình trạng lạm phát cao hiện nay trong thời gian ngắn hay không?
Theo chuyên gia kinh tế Philipp Heimberger tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (Áo), về mặt lý thuyết, một đợt tăng lãi suất sẽ khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn, buộc các doanh nghiệp phải giảm đầu tư và người tiêu dùng chi tiêu ít hơn; tăng trưởng kinh tế và hoạt động tuyển dụng sẽ chậm lại; các yếu tố này sẽ khiến tăng trưởng tiền lương và lạm phát giảm dần.
Độ trễ từ khi chính sách được thực hiện cho tới khi có hiệu lực có thể lên đến 18 tháng. Do vậy, đây không được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao tại châu Âu hiện nay.
Trong thời gian qua, giá của hàng hóa lâu bền tại châu Âu đã ghi nhận sự biến động lớn hơn so với dịch vụ do tác động từ đại dịch Covid-19 và tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi tiêu đối với các hàng hóa lâu bền đã tăng mạnh trong suốt thời kỳ đại dịch, khi các hộ gia đình tăng cường chi tiêu mua sắm ô tô mới, đồ nội thất, đồng thời cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ như ăn nhà hàng, đi nghe hòa nhạc…
Trong khi đó, chuỗi cung ứng lại liên tục rơi vào tình trạng gián đoạn do các biện pháp phong tỏa phòng dịch Covid-19 tại nhiều nước. Tình trạng này được dự báo sẽ chưa thể cải thiện trong ngắn hạn, khi biến thể Omicron vẫn lây lan mạnh tại nhiều quốc gia, dẫn tới những đợt phong tỏa gần đây tại các thành phố, trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc.
“Việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất rõ ràng không thích hợp để giải quyết những biến động giá cả như thế này”, chuyên gia Philipp Heimberger khẳng định. Ông cho rằng, trong trường hợp của châu Âu, việc nâng lãi suất sẽ không phải là một công cụ hữu hiệu để kiềm chế giá năng lượng, mà thậm chí còn có thể gây ra sự thiệt hại trên diện rộng đối với một nền kinh tế vốn đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Sự khác biệt giữa các nền kinh tế
Tình trạng của nền kinh tế Mỹ và châu Âu hiện cũng rất khác nhau. Trong khi kinh tế Mỹ đã ghi nhận những sự tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, kinh tế Eurozone vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Bất ổn đối với nền kinh tế cựu lục địa càng lớn hơn với cuộc xung đột Nga – Ukraine và những diễn biến khó lường trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, khi ứng viên cực hữu Marine Le Pen đối đầu với Tổng thống Emmanuel Macron. Bên cạnh đó, việc chi phí đi vay gia tăng mạnh tại một số quốc gia Nam Âu, như Ý, cũng làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế của khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo hồi tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone hiện đang chậm hơn so với Mỹ, và lại phải đối mặt với tác động lớn hơn từ cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Do vậy, việc yêu cầu ECB áp dụng chính sách tương tự như Fed là điều không thích hợp. “Sự so sánh giữa các chính sách tiền tệ tương ứng của hai bên, giống như là so sánh giữa táo và cam vậy”, bà Lagarde kết luận.
Bên cạnh đó, tại Mỹ – nơi ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga – Ukraine hơn châu Âu, vòng xoáy tiền lương – giá cả đang là mối bận tâm hàng đầu của giới chức Fed. Thị trường lao động Mỹ đang mở rộng một cách mạnh mẽ, nhờ những biện pháp tài khóa được chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp mạnh tay tăng lương cho người lao động để thu hút nhân sự giỏi, đồng thời cũng kéo theo nỗi lo gia tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ, khiến tình hình lạm phát trở nên trầm trọng hơn.
Ở chiều ngược lại, tại khu vực Eurozone, không có dấu hiệu nào của một mối đe dọa như vậy. Các số liệu gần đây cho thấy, tăng trưởng tiền lương trong khu vực chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả khi đặt giả định rằng tiền lương sẽ tăng cao hơn trong năm nay, mức tăng trưởng sẽ phải là 3% (với giả sử tăng trưởng năng suất là 1%) mới có thể tạo ra sự khác biệt trong triển vọng lạm phát của ECB.
Châu Âu cần sử dụng nhiều công cụ khác để kiềm chế lạm phát
Với việc nền kinh tế Eurozone vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, ECB sẽ tiếp tục quan sát tình hình một cách kỹ lưỡng trước khi tiến hành các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Cách tiếp cận này của ECB tiềm ẩn nhiều rủi ro”, chuyên gia kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank tại Frankfurt nhận định. “ECB càng giữ vững chính sách tiền tệ siêu lỏng của mình, kỳ vọng lạm phát sẽ càng gia tăng và nguy cơ tỷ lệ lạm phát cao kéo dài dai dẳng sẽ càng lớn”.
Tuy nhiên, một hành động vội vàng cũng có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực. Chuyên gia Philipp Heimberger tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna cảnh báo, trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế châu Âu vẫn còn khá mong manh, một đợt nâng lãi suất, dù là với mức khá nhỏ, cũng có thể gây ra một sự bất ổn lan rộng trên thị trường tài chính, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ ở Ý và một số nước châu Âu khác tăng mạnh và đột ngột. Khi đó, để ứng phó với sự hoảng loạn của thị trường, ECB có thể sẽ buộc phải tăng mua trái phiếu một lần nữa, đảo ngược quyết định cắt giảm quy mô chương trình này, vừa được đưa ra trước đó chưa lâu.
Theo chuyên gia Philipp Heimberger, trong trường hợp kỳ vọng lạm phát dài hạn cao hơn hoặc nguy cơ vòng xoáy tiền lương – giá cả trở nên rõ ràng hơn, việc tăng lãi suất vẫn là một lựa chọn mà giới hoạch định chính sách cần lưu ý. Tuy nhiên nhìn chung, các biện pháp chống lạm phát hiệu quả nhất được cho là không nằm trong quyền hạn của ECB, bởi chúng liên quan đến việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine và giải quyết các vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Do vậy, các chính phủ sẽ cần phải đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chống lại lạm phát, bằng cách tăng cường giám sát chuỗi cung ứng, đẩy mạnh các chính sách cạnh tranh để ngăn chặn các công ty có quyền lực lớn trên thị trường tiếp tục lợi dụng tình hình hiện tại để nâng giá bán sản phẩm nhằm gặt hái lợi nhuận. Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang, làm gia tăng giá năng lượng và thực phẩm, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ cần được áp dụng nhiều hơn để giúp đỡ các hộ gia đình có thu nhập thấp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Lạc Diệp