Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mahdi Safari cho biết Iran dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga trong tháng tới. “Chúng tôi đã chốt thỏa thuận trị giá 6,5 tỷ USD với Gazprom. Chúng tôi hy vọng rằng các thỏa thuận còn lại với tổng trị giá 40 tỷ USD sẽ được ký kết vào tháng tới”, ông Safari trả lời hãng thông tấn ISNA hồi cuối tuần qua. Nhà ngoại giao Iran đồng thời cho biết các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận đang diễn ra.
Trước đó, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Iran và Gazprom hồi tháng 7 đã xác nhận hợp tác phát triển 2 mỏ khí đốt Kish, North Pars và 6 mỏ dầu khác ở Iran. Hai bên còn nhất trí hoán đổi các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, cũng như thực hiện các dự án khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống dẫn khí.
Tháng trước, Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết Moscow và Tehran có thể đồng ý trao đổi 5 triệu tấn dầu và 10 tỷ m3 khí đốt, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Mới đây, ông Novak tuyên bố rằng Nga và Iran đã bắt đầu trao đổi nguồn cung cấp năng lượng, chủ yếu là dầu mỏ, và đồng ý tăng danh sách các sản phẩm giao dịch.
“Số lượng đầu tư của Nga vào các mỏ dầu của Iran sẽ tăng lên”, Phó thủ tướng Nga cho hay.
Iran và Nga thời gian gần đây liên tục có các động thái thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Mới đây, Iran vừa công bố hợp đồng cung cấp 40 tuabin khí đốt sản xuất trong nước cho Nga giữa bối cảnh loạt nước phương Tây tung ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhắm vào các ngành công nghiệp có mối liên hệ với Nga.
Cụ thể, chia sẻ với hãng thông tấn Shana của Iran ngày 23/10, ông Reza Noushadi, CEO Công ty Phát triển và Kỹ thuật Khí đốt Iran, cho biết Iran hiện có khả năng sản xuất độc lập "85% thiết bị cần thiết trong ngành công nghiệp khí đốt”, điều này cho phép Iran có thể cung cấp tuabin khí cho Nga.
Tuy nhiên, ông Noushadi không tiết lộ thời điểm thỏa thuận được thực hiện và khi nào các tuabin sẽ được chuyển giao cho Nga
Được biết Nga và Iran đang cùng thỏa thuận các điều khoản nhằm hình thành một liên minh khí đốt tự nhiên vận hành giống Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà họ là những thành viên cốt lõi, theo Oilprice.
Oilprice cho rằng nền tảng để hình thành liên minh là Diễn đàn các nước xuất khẩu vùng Vịnh (GECF) hiện tại. Theo đó, tổ chức “OPEC khí đốt” này sẽ giúp các bên điều phối tỷ lệ trữ lượng khí đốt của thế giới và kiểm soát giá khí đốt trong những năm tới.
Iran cung cấp 40 tuabin khí đốt cho Nga