Vietstock - HSBC: Trái phiếu đang trở lại
Theo công ty quản lý tài sản của ngân hàng HSBC (HSBC Asset Management), thị trường đã bước vào một “mô thức mới” khi trật tự toàn cầu bị phân mảnh. Trong khi đó, nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên đồng nghĩa với xu hướng “trái phiếu đang trở lại”.
Trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2024, bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng HSBC cho biết việc thắt chặt tín dụng và chính sách tiền tệ đã tạo ra “vấn đề lãi suất” đối với các nền kinh tế toàn cầu, làm tăng nguy cơ xảy ra cú sốc tăng trưởng theo hướng bất lợi vào năm tới, điều mà thị trường có thể chưa đánh giá đầy đủ vào thời điểm hiện tại.
HSBC Asset Management (HSBC AM) kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, và chỉ số giá tiêu dùng của các nền kinh tế lớn khác cũng sẽ giảm xuống mức mục tiêu của từng nơi trong suốt năm tới.
Các nhà phân tích của HSBC AM kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào quý 2/2024 với mức giảm hơn 100 điểm cơ bản cho tới cuối năm. Họ cũng dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đi theo Fed và ngân hàng trung ương Anh sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm chậm hơn nơi khác.
“Tuy nhiên, những cơn gió ngược đang bắt đầu hình thành. Chúng tôi tin rằng nếu lạm phát giảm hơn nữa có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đồng thời tiền tiết kiệm của người tiêu dùng cũng cạn kiệt. Điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và thị trường lao động suy yếu có thể dẫn đến một cuộc suy thoái xảy ra vào năm 2024”, giám đốc chiến lược toàn cầu Joseph Little cho biết trong báo cáo.
Mô thức mới
Ông Little cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chóng mặt của các ngân hàng trung ương trong hai năm qua đang khiến thị trường toàn cầu hướng tới một “mô thức mới”, trong đó lãi suất duy trì khoảng 3% và lợi suất trái phiếu ở mức khoảng 4%. Có ba yếu tố chính thúc đẩy điều này.
Thứ nhất, tình trạng “thế giới đa cực” và “trật tự toàn cầu ngày càng bị phân mảnh” đang dẫn đến “sự kết thúc của xu hướng siêu toàn cầu hóa”, ông Little nói. Thứ hai, chính sách tài khóa sẽ linh động hơn do những thay đổi về ưu tiên về chính trị, tâm lý lo ngại về môi trường sống và mức độ bất bình đẳng cao. Thứ ba, chính sách kinh tế đang ngày càng hướng tới việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mục tiêu trung hoà carbon.
“Trước bối cảnh đó, chúng tôi dự đoán mức độ biến động của nguồn cung sẽ lớn hơn, lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn. Trong khi đó, suy thoái kinh tế có thể trở thành sự kiện thường xuyên hơn bởi lạm phát liên tục lên cao, sẽ hạn chế khả năng kích thích nền kinh tế của các ngân hàng trung ương”, ông Little nói.
Trong 12 đến 18 tháng tới, HSBC AM kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao hơn lợi nhuận doanh nghiệp và cuộc tranh luận về mức lãi suất “trung lập”, cũng như tập trung hơn vào dữ liệu lao động và năng suất của nền kinh tế.
Trái phiếu trở lại thời hoàng kim
Các thị trường đang dự đoán về một kịch bản “hạ cánh mềm”, trong đó, các ngân hàng trung ương lớn thành công đưa lạm phát về mức mục tiêu mà không khiến nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, HSBC AM tin rằng thị trường đã phớt lờ nguy cơ suy thoái vốn đang gia tăng. Vì vậy, họ đang chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng phòng thủ, kèm theo quan điểm rằng “thời của trái phiếu đã quay trở lại”.
Ông Little nói: “Kinh tế toàn cầu yếu hơn và lạm phát chậm lại có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho trái phiếu chính phủ, ngược lại, gây ra thách thức đối với cổ phiếu”. Theo đó, HSBC AM cho rằng có cơ hội đầu tư đối với một số trái phiếu chính phủ như của Mỹ, châu Âu và trái phiếu được xếp hạng đầu tư.
Trong khi đó, HSBC AM tỏ ra thận trọng với chứng khoán Mỹ, đồng thời nhận định chứng khoán châu Âu vẫn còn tương đối rẻ so với thế giới, đồng nghĩa rằng nếu có giảm thì mức giảm sẽ hạn chế, trừ khi suy thoái kinh tế thành hiện thực.
“Theo quan điểm của chúng tôi, chứng khoán Nhật Bản có thể vượt trội so với các thị trường phát triển nhờ định giá hấp dẫn, chính sách tiền tệ độc nhất và nền kinh tế chịu được áp lực cao”, ông Little nói.
Liên quan tới thị trường mới nổi, HSBC AM cho rằng nếu Fed cắt giảm lãi suất mạnh trong nửa cuối năm 2024 như thị trường mong đợi, trái phiếu của Ấn Độ và Mexico cũng như cổ phiếu loại A của Trung Quốc sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của HSBC AM.
Theo ông Little, đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Ấn Độ và chính sách tiền tệ phi truyền thống của Nhật Bản khiến hai nước này trở thành điểm đến hấp dẫn để đa dạng hóa danh mục. Cùng với đó, mặc dù tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán đạt khoảng 5% trong năm nay và 4.5% vào năm 2024, song nhà đầu tư cũng có thể được hưởng lợi từ việc hỗ trợ chính sách tài chính của chính phủ.
“Chứng khoán châu Á đang ở vị thế tăng trưởng mạnh mẽ hơn và có khả năng vẫn là điểm tương đối sáng trong bối cảnh hiện tại”, ông Little nói.
Kim Dung (Theo CNBC)