Thị trường Đông Nam Á sụt giảm nhưng sức tiêu thụ của iPhone tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức tốt. Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy 5 thị trường tiêu thụ smartphone lớn tại khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Phippines, Việt Nam và Malaysia ghi nhận mức giảm trung bình 13% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam là thị trường có mức sụt giảm doanh số mạnh nhất, tính theo lượng smartphone nhập khẩu về nước, với khoảng 30% so với giai đoạn quý 1/2022. Tiếp theo đó lần lượt là Malaysia (giảm 29%), Philippines (giảm 10%), Indonesia (giảm 7%) và Thái Lan (giảm 1%).
Counterpoint Research cho biết lượng smartphone nhập về Việt Nam sụt giảm mạnh là do trước đó, thị trường đã nhận một lượng hàng lớn trong quý 4/2022. Do vậy, các nhà sản xuất cần phải giảm sản lượng trong quý 1/2023 để điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Smartphone nhập khẩu về 5 thị trường chính của Đông Nam Á. |
Đáng chú ý, gã khổng lồ công nghệ Mỹ và hãng sản xuất lớn duy nhất trong top 6 ghi nhận tăng trưởng dương tại thị trường Đông Nam Á trong quý 1 với mức tăng 18%. Trong khi đó, các thương hiệu smartphone khác đều ghi nhận sự sụt giảm với Vivo (26%), Samsung (16%), Xiaomi (13%), Oppo (10%) và Realme (5%).
Apple (NASDAQ:AAPL) là hãng sản xuất duy nhất tăng trưởng dương tại Đông Nam Á trong quý 1/2023. |
Không còn mối lo vênh giá chục triệu đồng
Sau Apple Store trực tuyến, người dùng trong nước kỳ vọng hãng sẽ mở một cửa hàng bán lẻ chính thức (Apple Store vật lý) tại Việt Nam, giống tại Singapore hay Thái Lan. Trước đây, người Việt luôn nằm trong top đầu những người xếp hàng chờ mua iPhone mới ở Singapore.
Nếu sang Singapore, người mua sẽ nhận được các ưu đãi hoàn thuế cho người ngoại quốc mua sắm tại đảo quốc này, khiến giá iPhone rẻ hơn nhiều nếu so sánh với giá chính hãng tại Việt Nam.
Cụ thể, theo chương trình Hoàn thuế Du lịch, du khách đến Singapore mua sắm từ 100 USD trở lên sẽ được hoàn thuế khoảng 7% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), loại thuế này tương tự như thuế giá trị gia tăng (VAT) ở Việt Nam. Apple Store là một trong những cửa hàng áp dụng chương trình hoàn thuế này.
Chẳng hạn như khi mua một chiếc iPhone có giá khoảng 40 triệu đồng. Với hộ chiếu Việt Nam, người mua sẽ được hoàn thuế 7%, tương đương 2,6 triệu đồng khi mang hóa đơn mua hàng ra sân bay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhân viên yêu cầu soi chiếu IMEI, nếu sản phẩm đã mua không trùng với hóa đơn, khách hàng sẽ không được hoàn tiền.
Do đó, nếu bán lại giá gốc, người bán iPhone vẫn thu về khoảng 2,6 triệu đồng mỗi máy, chưa trừ chi phí đi lại, ăn ở. Tuy nhiên, khi cơn “khát” iPhone mới ra, người mua sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để rinh về sản phẩm của Apple.
Thậm chí tại Việt Nam, khi những chiếc iPhone Xs Max đầu tiên đưa về từ đêm ngày ra mắt đã có giá 79 triệu đồng cho bản 512 GB, cao gấp đôi so với con số 40 triệu đồng khi mua tại Apple Store ở Singapore.
Những ngày sau đó, khi lượng máy từ những người xếp hàng mang về đã gần hết thì giá chỉ chênh khoảng 5-10 triệu đồng so với giá niêm yết của hãng.
Giờ đây, khi Apple đã mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, dù giá sản phẩm đều cao hơn giá chính hãng tại các hệ thống ủy quyền nhưng những người kinh doanh sản phẩm iPhone lâu năm cho rằng trong thời gian sản phẩm mới ra mắt, người dùng Việt mua ở cửa hàng Apple sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, sản phẩm iPhone 14 Pro Max được một số hệ thống đại lý ủy quyền của Apple trong nước để giá 32-34 triệu đồng vào thời điểm mới ra mắt hồi tháng 10 năm 2022, trong khi giá trên Apple Store trực tuyến là 31 triệu đồng. Hay sản phẩm MacBook Air M2 được các đại lý bán với giá khoảng 30 triệu đồng trong suốt nửa cuối 2022, còn Apple bán rẻ hơn mức này gần một triệu đồng.
Thực tế sẽ được chứng minh vào đợt ra mắt iPhone 15 sắp tới, khi người dùng Việt mua được sản phẩm đúng với giá niêm yết trên Apple Store trực tuyến.
Thế nhưng, vì Apple không có chính sách giảm giá trong năm đầu tiên ra mắt sản phẩm, thế nên nếu tính về đường dài, các đại lý ủy quyền sẽ có khả năng liên tục điều chỉnh giá để cạnh tranh.