Vietstock - Hai kịch bản kinh tế khác biệt cho ông Donald Trump
Trong nhiệm kỳ này, thách thức đối với ông Trump không còn là kích thích tăng trưởng mà là duy trì sự ổn định, kiểm soát lạm phát và giải quyết các vấn đề về tài khóa và nợ công.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ ngày 10/4/2024. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Khi ông Donald Trump chuẩn bị bước vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, bức tranh kinh tế hiện tại khác biệt rõ rệt so với những gì ông tiếp quản vị trí lãnh đạo nước Mỹ năm 2017, đặt ra những thách thức mới cho các chính sách kinh tế của vị tổng thống đắc cử.
Lần nhậm chức đầu tiên, ông Trump kế thừa một nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2017, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn nhưng chưa thực sự bứt phá. Thị trường lao động vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng. Bối cảnh đó tạo dư địa cho các chính sách kích thích, điển hình là Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm.
Mặc dù chính sách thuế quan của ông Trump gây ra những xáo trộn trong thương mại toàn cầu và lo ngại về một cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Mỹ vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể, duy trì đà tăng trưởng cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế hiện tại mà ông Trump sắp tiếp quản lại mang nhiều sắc thái khác. Nền kinh tế Mỹ hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, vượt xa xu hướng. Thị trường lao động gần đạt đến trạng thái toàn dụng, với tỷ lệ thất nghiệp thấp (4,1% vào tháng 12) và số lượng việc làm mới được tạo ra hàng tháng vẫn ấn tượng (256.000 việc làm trong tháng 12).
Lạm phát, mặc dù đang có dấu hiệu hạ nhiệt, vẫn là một mối lo ngại đáng kể khi dai dẳng ở mức cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế truyền thống, vốn có thể làm gia tăng áp lực lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống đắc cử Trump trong nhiệm kỳ này không phải là kích thích tăng trưởng, mà là duy trì sự ổn định và tránh gây tổn hại cho nền kinh tế đang vận hành tốt.
Những chính sách như áp đặt thuế quan, hạn chế nhập cư và cắt giảm thuế bằng cách tăng thâm hụt ngân sách, nếu được triển khai một cách quyết liệt, có thể gây ra những tác động tiêu cực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế nguồn lao động và gia tăng bất ổn kinh tế.
Một điểm khác biệt quan trọng nữa trong bối cảnh kinh tế giữa hai nhiệm kỳ là tình hình tài chính. Năm 2017, lãi suất thế chấp ở mức khoảng 4% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm vào khoảng 3%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay nợ và đầu tư.
Hiện nay, lãi suất thế chấp đã tăng lên gần 7%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm dao động quanh mức 5% và vẫn có xu hướng tăng.
Điều này phản ánh mối lo ngại của thị trường về lạm phát và khả năng kiểm soát nợ công của Chính phủ Mỹ, đồng thời làm tăng chi phí vay vốn cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Nguồn: IRNA/TTXVN)
|
Ngoài ra, ông Trump cũng phải đối mặt với những ràng buộc khác. Lạm phát, mặc dù đang giảm, vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn sau cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra. Thâm hụt ngân sách liên bang và chi phí vay nợ của chính phủ đều ở mức cao hơn so với năm 2017.
Lực lượng lao động tăng trưởng nhanh hơn dự kiến một phần nhờ vào nhập cư, một yếu tố mà ông Trump có ý định hạn chế, cũng đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Việc hạn chế nhập cư có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề, ảnh hưởng đến năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Fed cũng đang phải cân nhắc giữa việc kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động "rất tốt," nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% mà không gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Sự mạnh mẽ của nền kinh tế và các kế hoạch của ông Trump khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tóm lại, ông Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai với một bối cảnh kinh tế hoàn toàn khác so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Nền kinh tế Mỹ không còn trong giai đoạn phục hồi chậm chạp mà đang ở trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Thách thức đối với ông Trump không còn là kích thích tăng trưởng mà là duy trì sự ổn định, kiểm soát lạm phát và giải quyết các vấn đề về tài khóa và nợ công.
Sự khác biệt giữa bối cảnh kinh tế hai nhiệm kỳ đặt ra câu hỏi về hiệu quả của những chính sách kinh tế mà ông Trump dự định triển khai./.
Khánh Ly