Vietstock - Giám đốc JPMorgan chỉ ra dấu hiệu "bình yên trước cơn bão" giống năm 2008
Đối với ít nhất một người kỳ cựu trên thị trường, sự phục hồi của thị trường cổ phiếu sau khi một loạt ngân hàng đổ vỡ và lãi suất tăng chóng mặt chỉ có một ý nghĩa duy nhất: Hãy coi chừng.
Thời kỳ tạm lắng “đánh lừa”
Giai đoạn hiện tại đã nhắc nhở Bob Michele, giám đốc đầu tư của quỹ quản lý tài sản khổng lồ thuộc JPMorgan Chase, về thời kỳ tạm lắng “đánh lừa” trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở chính của ngân hàng ở New York.
Bob Michele
|
Ông Michele nói: “Điều này nhắc tôi nhớ về khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 06/2008”.
Khi đó, cũng như bây giờ, nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng Mỹ. Trong cả hai thời kỳ, ông chủ của ông Michele đã xoa dịu căng thẳng bằng cách nhảy vào mua một ngân hàng đối thủ đang gặp khó khăn. Tháng trước, JPMorgan cũng mua ngân hàng khu vực First Republic vốn đã sụp đổ. Còn vào tháng 03/2008, JPMorgan tiếp quản ngân hàng đầu tư Bear Stearns.
Ông cho hay: “Các thị trường coi đó là một cuộc khủng hoảng, đã có những phản ứng về chính sách và cuộc khủng hoảng được giải quyết. Sau đó, thị trường cổ phiếu có một đợt phục hồi ổn định kéo dài ba tháng”.
Việc thời kỳ tiền rẻ và lãi suất thấp gần 15 năm trên khắp thế giới kết thúc đã khiến nhà đầu tư cũng như giới quan sát thị trường khó chịu. Các giám đốc điều hành hàng đầu Phố Wall, bao gồm cả ông chủ JPMorgan, Jamie Dimon, đã phải lên tiếng cảnh báo về sức khoẻ kinh tế trong suốt hơn một năm qua. Ông Dimon và những người khác nói rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn do lãi suất cao, sự đảo ngược trong chương trình mua trái phiếu của Fed và căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang gây ra.
Nhưng kinh tế Mỹ vẫn có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên, khi số liệu việc làm tháng 5 năm nay tăng cao hơn dự kiến. Một số người đánh giá đà phục hồi gần đây của thị trường cổ phiếu Mỹ là sự khởi đầu của một thị trường giá lên mới.
Các tín hiệu trái chiều đã chia giới đầu tư thành hai phe: Một bên là những người dự đoán một pha hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên còn lại là những người mường tượng ra một điều gì đó tồi tệ hơn nhiều.
Bình yên trước cơn bão
Đối với ông Michele, người đã bắt đầu sự nghiệp của mình cách đây 40 năm, các dấu hiệu đang cho thấy rõ ràng rằng vài tháng tới chỉ là sự bình lặng trước cơn bão. Ông Michele giám sát khối tài sản trị giá hơn 700 tỷ USD cho JPMorgan và cũng là giám đốc toàn cầu về tài sản có thu nhập cố định của quỹ quản lý tài sản thuộc JPMorgan.
Trong những chu kỳ tăng lãi suất trước đây từ năm 1980, suy thoái bắt đầu xuất hiện sau lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trung bình 13 tháng, ông cho hay. Lần tăng lãi suất gần đây nhất của Fed là vào tháng 05/2023.
Trong giai đoạn mơ hồ ngay sau khi Fed hoàn thành việc tăng lãi suất, Mỹ không ở trong tình trạng suy thoái, mà giống như một pha hạ cánh mềm bởi vì kinh tế vẫn đang tăng trưởng, ông Michele nói.
“Nhưng sẽ là một phép màu nếu nó kết thúc mà không xảy ra suy thoái”, ông khẳng định.
Ông Michele cho biết nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào cuối năm nay. Mặc dù thời điểm suy thoái xảy ra có thể bị lùi lại nhờ tác động kéo dài của các gói kích thích trong đại dịch COVID-19, song ông cho biết đích đến đã rất rõ ràng.
Ông nói: “Tôi tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ rơi vào suy thoái trong một năm tới”.
Các cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ năm 1945 và thời gian kéo dài (Đvt: Tháng)
Cú sốc lãi suất
Những người theo dõi thị trường khác lại không có cùng quan điểm với ông Michele.
Giám đốc bộ phận trái phiếu của BlackRock Rick Rieder cho biết vào tháng trước rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với quan điểm đồng thuận của giới phân tích và có thể tránh được một cuộc suy thoái sâu.
Chuyên gia kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs (NYSE:GS) gần đây đã hạ xác suất xảy ra suy thoái trong vòng một năm tới xuống chỉ còn 25%. Ngay cả trong nhóm người dự đoán suy thoái sẽ xảy ra, ít người nghĩ rằng nó sẽ nghiêm trọng như cuộc suy thoái năm 2008.
Trong khi đó, ông Michele chỉ ra rằng Fed kể từ tháng 03/2022 đã thực hiện chuỗi tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong bốn thập kỷ qua. Chu kỳ này trùng khớp với các bước mà Fed từng thực hiện để kiềm chế thanh khoản thị trường thông qua quá trình thắt chặt định lượng. Bằng cách cho phép trái phiếu của mình đáo hạn mà không tái đầu tư số tiền thu được, Fed hy vọng sẽ giảm tới 95 tỷ USD mỗi tháng trong bảng cân đối kế toán.
“Chúng tôi đang nhìn thấy những thứ mà bạn chỉ thấy trong thời kỳ suy thoái hoặc khi bạn kết thúc suy thoái”, ông nói, ý chỉ “cú sốc lãi suất” khoảng 500 điểm cơ bản trong năm qua.
Các dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế đang suy thoái bao gồm tín dụng bị thắt chặt, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng, thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị rút ngắn, đường cong lợi suất đảo ngược và giá trị hàng hóa giảm, ông Michele cho hay.
Ông Michele cho rằng ba lĩnh vực của nền kinh tế sau có thể bị thiệt hại lớn nhất: ngân hàng khu vực, bất động sản thương mại và những doanh nghiệp đi vay bị xếp hạng “rác”.
Kim Dung (Theo CNBC)