Hungary mới đây lên tiếng phản đối kế hoạch viện trợ tài chính chung của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine với tổng giá trị gần 18 tỷ USD. “Chúng tôi đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine trực tiếp với tư cách là một nước láng giềng và sẵn sàng tiếp tục làm như vậy trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa Ukraine và Hungary. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không ủng hộ bất kỳ hình thức hỗ trợ chung nào của EU”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại một hội nghị ở Sofia hôm 7/11.
Cũng theo ông Szijjarto, Hungary đã giúp đỡ nước láng giềng Ukraine bằng nhiều cách khác nhau trong thời gian dài hơn so với một số quốc gia khác.
Đồng thời, nhà ngoại giao Hungary cho hay nước của ông đã hỗ trợ vay vốn chung trong đại dịch Covid-19 và đến nay vẫn chưa nhận được phần trong các quỹ phục hồi đó. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã từ chối để Hungary để rút tiền khỏi quỹ chung.
Mới đây, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, trong tuần tới, bà sẽ đề xuất một gói tài chính quan trọng từ EU, lên tới 1,5 tỷ euro/tháng và tổng trị giá 18 tỷ Euro (gần 18 tỷ USD)/năm, qua đó sẽ góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu tài chính của Ukraine cho năm 2023.
"Sự hỗ trợ dưới hình thức các khoản vay dài hạn với ưu đãi cao, bao gồm cả chi phí lãi suất, cũng sẽ hỗ trợ các cải cách của Ukraine và con đường trở thành thành viên EU", EC nêu rõ.
EC đồng thời lưu ý, gói tài chính của EU nhằm hỗ trợ Ukraine sẽ cần phải phù hợp với sự hỗ trợ tương ứng từ các nhà tài trợ lớn khác dành cho Kiev.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo Welt của Đức, Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna cho biết nước này đặt quyết tâm hoàn tất quá trình gia nhập EU vào cuối năm 2024.
Phó Thủ tướng Ukraine nêu rõ tiến trình khởi động sớm những cuộc đàm phán gia nhập EU có ý nghĩa "vô cùng quan trọng đối với Ukraine" sau nhiều năm nỗ lực để đạt được mục tiêu trên.
Nếu Ukraine đạt được mục tiêu nêu trên, đây sẽ là tiến trình gia nhập nhanh nhất trong lịch sử khối này bởi quá trình này thông thường mất trung bình khoảng 9 năm với các vòng đệ đơn gia nhập, kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn và đàm phán.
Vì sao Hungary được là ‘ngoại lệ’ trong kế hoạch áp giá trần khí đốt của EU?