Vietstock - Dow Jones rớt hơn 500 điểm sau khi Chủ tịch Fed dự định đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày 30/11, đảo ngược đà hồi phục trước đó, khi nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro liên quan tới biến chủng Omicron và Chủ tịch Fed bày tỏ ý định đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu.
Tính tới lúc 23h ngày 30/11, các chỉ số chính giảm xuống mức thấp nhất trong phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed sẽ bàn luận về việc đẩy nhanh quá trình siết vòi tại cuộc họp tháng 12. Chỉ số Dow Jones giảm 510 điểm dưới áp lực từ cổ phiếu American Express và Coca-Cola. S&P 500 hạ 1.39%, còn Nasdaq Composite lùi 1.41%. Chỉ số Russell 2000 sụt 1.95%.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed cho biết ông nghĩ việc giảm nhịp độ mua trái phiếu có thể được đẩy nhanh hơn mức 15 tỷ USD mỗi tháng.
“Tại thời điểm này, nền kinh tế đang rất mạnh và áp lực lạm phát ngày một lớn hơn. Do đó, theo tôi, sẽ là hợp lý nếu cân nhắc hoàn tất quá trình giảm mua tài sản sớm hơn vài tháng”, ông Powell nói. “Tôi cho là chúng tôi sẽ bàn luận về vấn đề này tại cuộc họp sắp tới”.
Đà giảm ngày 30/11 còn diễn ra sau khi CEO Moderna Stephane Bancel nói với Financial Times rằng ông kỳ vọng vắc-xin Covid-19 hiện tại sẽ kém hiệu quả hơn với biến chủng mới. Ông Bancel nói với CNBC trong ngày 29/11 rằng họ có thể mất vài tháng để phát triển và vận chuyển vắc-xin dành riêng cho biến chủng Omicron.
“Tôi chỉ không biết mức giảm là bao nhiêu vì còn phải chờ dữ liệu”, ông Bancel cho biết. “Tất cả những nhà khoa học mà tôi bàn luận cùng đều nói kiểu ‘tình hình này có vẻ không ổn’”.
Sự quả quyết của ông Bancel dường như gây hoảng loạn trên thị trường, với chứng khoán châu Á, Mỹ và châu Âu đều giả mạnh. Giá dầu thô cũng lao dốc. Tuần trước, Moderna (NASDAQ:MRNA) cho biết họ đang nghiên cứu vắc-xin tăng cường.
Moderna đưa ra quan điểm có phần tiêu cực hơn so với Pfizer (NYSE:PFE). CEO Pfizer Albert Bourla cho biết trước đó rằng độ hiệu quả của các vắc-xin hiện tại với Omicron sẽ được công bố trong 2-3 tuần nữa và thậm chí trong kịch bản tệ nhất, ông kỳ vọng vắc-xin hiện tại vẫn còn hiệu quả một phần với biến chủng Omicron.
“Thị trường đang tập trung quá nhiều vào dòng thông tin về Omicron”, Jim Paulsen, Giám đốc đầu tư tại Leuthold Group, cho hay. “Vào ngày 29/11, chứng khoán hồi phục nhờ thông tin trấn an từ Nam Phi rằng các triệu chứng có vẻ nhẹ và sáng nay thì lại chao đảo vì thông tin từ Moderna rằng Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các vắc-xin hiện tại và cần vài tháng để phát triển vắc-xin mới”.
“Liệu phương pháp bắt đáy của nhà đầu tư vẫn còn hiệu quả hay thị trường sẽ bị tổn thương và giảm mạnh hơn. Tuần này sẽ cho thấy rõ điều đó”, Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Nationwide, cho hay.
Biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi và sau đó lan sang hơn 10 quốc gia. Điều này thôi thúc nhiều nước đưa ra biện pháp hạn chế đi lại với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gắn nhãn “biến chủng đáng lo ngại” cho Omicron.
Các triệu chứng từ biến chủng Omicron được mô tả là “cực kỳ nhẹ”, theo lời của vị bác sĩ Nam Phi đã đưa ra cảnh báo đầu tiên về biến chủng này. Dù vậy, WHO cho biết sẽ cần vài tuần để hiểu được biến chủng Omicron có thể ảnh hưởng thế nào tới việc chẩn đoán, điều trị và vắc-xin.
Hãng sản xuất vắc-xin Trung Quốc Sinovac Biotech cho biết họ đang đánh giá lại hiệu quả của vắc-xin với Omicron và sự cần thiết của việc phát triển vắc-xin mới. Công ty cho biết họ có thể nhanh chóng phát triển vắc-xin mới và sản xuất vắc-xin quy mô lớn một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Sinovac Biotech của Trung Quốc và Shionogi & Co của Nhật Bản đều cho biết đang nghiên cứu phát triển vắc-xin mới cho biến chủng Omicron.
Vũ Hạo (Theo CNBC)